Ăn nhiều cũng có tội? Chính sách mới tại TQ hé lộ cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã yêu cầu tất cả các địa phương cần “chấm dứt lãng phí thực phẩm”, phát động phong trào “tiết kiệm toàn diện” trong cả nước, nhiều livestream ăn uống của các “Đại Vị Vương” đều bị xóa. Điều này dấy lên nghi ngờ rằng Trung Quốc đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng về lương thực.
Theo một báo cáo của phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 11/8, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng tại Trung Quốc “hiện tượng lãng phí thực phẩm nhìn thấy mà giật mình” và trích dẫn bài thơ nổi tiếng “Mẫn Nông” của Lý Thân: “Thùy chi bàn trung san, lạp lạp giai tân khổ” (Có ai hiểu thấu được nỗi khổ của người nông dân khi làm ra từng hạt gạo trong bát cơm), đề cập trực tiếp đến tình trạng lãng phí thực phẩm hiện nay trong xã hội Trung Quốc, yêu cầu mọi người cần phải nhận thức được cuộc khủng hoảng.
Ông Tập Cận Bình cũng cho rằng cần phải “tăng cường pháp luật và tăng cường giám sát” để chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm.
Đây ít nhất là lần thứ 3 mà chính quyền ĐCSTQ nhấn mạnh đến “an ninh lương thực” chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Khi ông Tập Cận Bình thị sát một khu vực sản xuất ngũ cốc tại thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm vào ngày 22/7, ông nói: “Cát Lâm phải đặt vấn đề an ninh lương thực lên vị trí hàng đầu”.
Vào ngày 27/7, Phó Thủ tướng ĐCSTQ Hồ Xuân Hoa đã yêu cầu tỉnh trưởng các tỉnh phải chịu trách nhiệm “an ninh lương thực” ở các địa phương để đảm bảo rằng không có sai phạm về an ninh lương thực.
Sau khi ông Tập Cận Bình đưa ra yêu cầu “nhận thức khủng hoảng” đối với an ninh lương thực, Hiệp hội Ẩm thực Vũ Hán đã lập tức đưa ra 6 đề xuất, gồm: thực hiện mô hình đặt món N-1, 10 khách chỉ được gọi 9 món, không đủ thì gọi thêm món; khi hai hoặc ba khách đến dùng bữa, nhà hàng phải cung cấp suất một nửa hoặc suất nhỏ; nhà hàng phải chuẩn bị hộp đóng gói mang về, v.v..
Các Hiệp hội Ẩm thực ở Tín Dương, Hà Nam và Tây An, Hồ Bắc cũng nhanh chóng làm theo, được coi là “hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư” và “thực hành tiết kiệm”, thực hiện mô hình gọi món N-1.
Hiệp hội Công nghiệp Ẩm thực tỉnh Giang Tô, Phòng Thương mại Ẩm thực thuộc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại tỉnh Giang Tô, cùng với các tổ chức nấu ăn công nghiệp trên toàn tỉnh, cũng đưa ra sáng kiến tương tự vào ngày 11/8.
Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng ngay lập tức làm theo để “tạo ra bầu không khí tự hào về việc tiết kiệm”. Tờ “Nhân dân Nhật báo” đã chuyển thể các bài nói chuyện về thực phẩm của ông Tập Cận Bình thành nhiều thành ngữ, hình ảnh, văn bản khác nhau và bắt đầu phổ biến rộng rãi, xuất bản các bài viết về tránh lãng phí thực phẩm và phải quý trọng thực phẩm theo nhiều sáng kiến khác nhau.
“CCTV” thậm chí còn chĩa mũi dùi về phía các “livestream của các Đại Vị Vương”, phê phán họ đã gây hiểu lầm cho người xem và lãng phí thực phẩm.
Nhiều nền tảng phát sóng trực tiếp của Trung Quốc đã ngay lập tức làm theo. Hiện tại, khi bạn tìm kiếm các từ khóa như “livestream ăn uống” và “Đại Vị Vương” trên các nền tảng phim ngắn như Douyin và Kuaishou, những lời nhắc nhở như “ăn uống văn minh, trân trọng thực phẩm” sẽ xuất hiện.
Nhiều video livestream ăn uống của những người nổi tiếng đã bị xóa khỏi kênh, thậm chí các video ăn thịt nướng ngoài trời của tài khoản nổi tiếng “Tiểu Mã ăn cỏ” cũng bị xóa. Các tài khoản “Đại Vị Vương” hay livestream ăn uống xuất hiện trong báo cáo của CCTV cũng đều bị xóa. Từ trên xuống dưới đều làm theo chỉ thị của Tập Cận Bình.
Nhưng việc các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đột nhiên nhất trí về đề xuất tiết kiệm lương thực đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Trung Quốc đã trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực trầm trọng.
Ngay từ tháng 3, David Beasley, Giám đốc Điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hợp Quốc, đã cảnh báo rằng dịch virus Vũ Hán đã tấn công nền kinh tế toàn cầu, số người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng trên thế giới có thể lên tới 265 triệu người vào năm 2020.
Hiện tại, dịch virus Vũ Hán đã kéo dài hơn 8 tháng, dưới tình hình dịch bệnh, miền nam Trung Quốc còn hứng chịu những đợt mưa lớn trong hơn hai tháng liên tục, phần lớn Trung Quốc ngập trong lũ lụt, mực nước của hàng nghìn km trên sông Dương Tử đều vượt mức cảnh báo, tình trạng lũ lụt ở các thị trấn nông thôn ven sông rất nghiêm trọng.
Những cánh đồng màu mỡ từ khu vực xung quanh hồ Bà Dương đến đồng bằng sông Dương Tử, nơi được mệnh danh là “vùng đất của cá và lúa”, với diện tích hơn 5,26 triệu ha bị chôn vùi trong nước. Các chuyên gia cho rằng một cuộc khủng hoảng lương thực có thể nổ ra ở Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Ngoài ra, do tuyết lớn, mưa đá và hạn hán dày đặc đã khiến các vùng sản xuất lúa mì chính ở Trung Quốc giảm sản lượng. Hiện nay miền nam đang bị lũ lụt vây hãm, nhiều tỉnh phía bắc bị hạn hán nghiêm trọng, các loại cây trồng chủ lực như lúa và ngô không đạt năng suất, kèm theo đó là những loại “sát thủ ngũ cốc” như sâu keo mùa thu, bệnh dịch châu chấu và các thảm họa khác đã làm ảnh hưởng nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc, e rằng có thể đã chạm ngưỡng an toàn.
Theo báo cáo, ít nhất 30% thực phẩm của Trung Quốc được nhập khẩu, chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Dư luận cho rằng vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi, nếu Trung Quốc không thể nhập khẩu lương thực từ Hoa Kỳ, có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực, khiến ĐCSTQ bất ổn về chính trị. Do đó, các nhà chức trách đã nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề an ninh lương thực.
Gia Hưng (Theo NTDTV)