Ấm áp tình người – Những quán cơm vì người lao động nghèo
Quán cơm xã hội là một điểm bán cơm giá rẻ được nhiều người lao động khó khăn nhắc đến. Họ truyền tai nhau về một quán cơm giá rẻ, ăn ngon và ấm áp.
Quán cơm 5.000 đồng ấm tình người Đà Nẵng
Gần 11 giờ trưa, một người đàn ông trong bộ đồng phục ngân hàng lịch sự dừng xe trước quán. Hai tay anh xách lỉnh kỉnh những rau, trái đủ loại. Vừa cho thực phẩm vào tủ lạnh, anh không ngại bộ đồ lịch lãm đang mặc trên người, xắn tay áo lao ngay vào bếp, chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho bữa cơm trưa sắp sửa được dọn ra.
Đó là anh Đinh Hữu Hưng (32 tuổi) chủ quán cơm xã hội 5.000 đồng – cơ sở II ở số 1369 đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng. Anh Hưng làm việc ở một ngân hàng, tuy bận rộn nhưng vẫn thu xếp thời gian đều đặn tham gia nấu cơm mỗi trưa các ngày lẻ hàng tuần.
Cùng với anh Hưng là các tình nguyện viên (TNV) khác, mỗi người một công việc, độ tuổi khác nhau nhưng tất cả họ đều trở thành những đầu bếp kiêm phục vụ trong quán cơm 5.000 này.
Đã hơn một năm như thế, đều đặn mỗi ngày cả trăm suất cơm với giá 5.000 đồng với đầy đủ rau, canh, cá, thịt phục vụ lao động nghèo. Anh Hưng giải thích về giá mỗi suất cơm: “Rất muốn giúp bà con bằng những suất cơm miễn phí, nhưng tôi biết chắc rằng, ý nghĩa của số tiền 5.000 đồng sẽ lớn hơn.
Người lao động dù khó khăn đến mấy, họ cũng mong muốn được mua cơm chứ không ăn từ thiện. Họ thấy mình có trách nhiệm với dĩa cơm, với xã hội hơn”.
Anh Hưng kể rằng, mình ấp ủ giấc mơ mở một quán cơm giá rẻ cho công nhân lao động đã lâu nhưng chưa có nguồn nhân lực.
Rồi anh tham gia vào Chi Hội Từ thiện sông Hàn, biết Hội đang mở một cơ sở bán cơm giá 5.000, bán các ngày lẻ tại số 77 Ba Đình (Hải châu, Đà Nẵng), nhận thấy nhu cầu của lao động nghèo ở khu vực này còn lớn, anh Hưng quyết định góp sức, còn tận dụng mặt bằng của mình mở thêm cơ sở II bán vào các buổi trưa ngày chẵn 2-4-6 hàng tuần.
Ngày đầu khi quán vừa hoạt động, anh treo băng rôn giới thiệu ‘cơm xã hội’ 5.000 để mọi người biết. Vì lúc đó chưa nhiều người biết đến, nên anh thường đi dặn từng người, biết có ai khó khăn hãy giới thiệu đến quán cơm. Anh vẫn luôn nhắc rằng đây là cơm bán chứ không phải từ thiện gì nên không phải ngại.
Trong câu chuyện của mình, anh vẫn thoăn thoắt đưa tay gắp thức ăn nhịp nhàng cùng các tình nguyện viên của quán. Những lúc quán vắng khách, anh Hưng lại gần các “thượng đế” của mình bắt chuyện, hỏi về khẩu vị, xin nhận xét cách nấu, hỏi han cuộc sống của họ… để cố gắng làm hài lòng hơn các thực khách của mình.
Nhân rộng niềm vui
Quán cơm xã hội 5.000 đồng không chỉ mang đến niềm vui, giải quyết khó khăn cho nhiều lao động nghèo trong thành phố, mà còn là nơi nhân rộng niềm vui đối với các TNV thầm lặng không lương. Đa phần là các bạn trẻ, các sinh viên, quán cơm đã dạy họ cách sống và yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn đang cần giúp đỡ.
Hai cơ sở của quán cơm xã hội 5.000 đồng có khoảng 500 TNV hoạt động thường xuyên. Dù nhiều người có gia đình, công việc bận rộn nhưng ai nấy đều phân công nhau thực hiện tốt công việc của phục vụ tại quán cơm.
Anh Văn Nhật Tân (29 tuổi, TNV) chia sẻ: “Ngoài công việc, thay vì đi chơi hay làm thêm thì mình hoạt động ở quán cơm xã hội 5.000 như là một cách để được sẻ chia với mọi người. Đơn giản mình thấy được niềm vui ở đó, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”.
Còn với những người lao động nghèo, những suất cơm giá rẻ luôn là niềm mong đợi không dễ có được trong thời buổi vật giá leo thang. Ông Nguyễn Chữ (80 tuổi, trú quận Thanh Khê) cứ mỗi trưa lại chở theo hai đứa nhỏ hàng xóm đi mua cơm 5.000 đồng.
Ông Chữ cho biết: “Ba ông cháu tui đạp xe mấy cây số những ngày chẵn qua quán cơm đường Nguyễn Tất Thành, ngày lẻ thì qua quán cơm Ba Đình. Nhờ mấy quán cơm ni mà đỡ nhiều tiền ăn mỗi tháng, mừng lắm”.
Ông Chữ sống cùng người vợ bệnh tật, không còn sức khỏe để bươn chải nên bữa nào khỏe ông lại lang thang lượm ve chai. Nghe người trong giới ve chai rỉ tai về quán cơm giá rẻ, ông Chữ dắt thêm mấy đứa trẻ hàng xóm mồ côi đều đặn đến quán mua cơm mỗi ngày.
Quán cơm từ thiện 2000 tại Sài Gòn
Đâu đó trong cuộc sống vẫn luôn có những tấm lòng thiện lương như vậy. Trên con phố nhỏ đường Cống Quỳnh, quận 1, Sài gòn, từ lâu đã xuất hiện quán cơm từ thiện 2000 không chỉ được nhiều người lao động nghèo biết đến mà có cả những khách hàng đi xe hơi, hoặc Việt kiều,.. ghé quán để ăn, tìm hiểu và ủng hộ.11h trưa, dòng người xếp hàng ngay ngắn. Không ai bảo ai, từ người già đến trẻ nhỏ, họ đứng trước quán cơm Nụ Cười để cùng dùng bữa trưa với giá chỉ 2.000 đồng.
Sau buổi sáng lang thang khắp nẻo đường Sài Gòn bán vé số mưu sinh, Hiền và Long (12 tuổi) lại trở về địa điểm quen thuộc là quán cơm Nụ Cười. “Con ở Vĩnh Long nhà nghèo lắm phải nghỉ học sớm đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ. Con hay ghé qua đây ăn cơm, cơm rất ngon, các cô chú, anh chị ở đây tốt lắm, quán cơm này đã giúp con những bữa no và tiết kiệm được một khoản tiền để gửi về phụ gia đình”, Long chia sẻ.
Những người phục vụ tại quán cơm cũng rất đặc biệt, đủ các tầng lớp từ sinh viên, người dân xung quanh, nhân viên văn phòng hay cả những Việt kiều ở nước ngoài trong dịp hồi hương cũng chung tay giúp sức. Nguồn kinh phí của quán cơm chủ yếu từ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, người thì bao gạo người thì can dầu… tất cả đều đến đây vì cái tâm mong muốn chia sẻ khó khăn với những mảnh đời gian khó.
Cầm trên tay can dầu ăn 5 lít chị Minh (ngụ quận 1) cho biết “Tôi hay đi qua quán cơm thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn quá với lại cũng muốn góp một chút cùng với các anh chị của quán lo bữa cơm cho người có hoàn cảnh khó khăn, cũng chẳng có nhiều, khi thì can dầu, bao gạo, cân thịt…. nhưng cũng thấy vui”
Theo quản lý của quán Nụ Cười, có nhiều mạnh thường quân muốn tìm hiểu hoạt động của quán đã không ngại mặc đồ hiệu, chạy xe sang đến quán ăn. “Lúc đó, mọi người xung quanh ngạc nhiên lắm, nhưng khách đến thì chúng tôi đều phục vụ ân cần như nhau không phân biệt giàu nghèo gì cả. Sau khi ăn xong, những người này đến quầy lấy tiền ra ủng hộ. Cũng có người sau khi ăn xong thì lặng lẽ chạy xe về rồi mấy hôm sau thuê xe chở đến hàng tấn gạo, nước mắm, bột nêm… để hỗ trợ quán được duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn”, một tình nguyện viên của quán chia sẻ.
Chúc Di (t/h)