Malaysia bất ngờ phản đối sự xâm nhập của tàu Trung Quốc
Hành động tiếp tục lấn lướt ở Biển Đông của Trung Quốc trong năm nay đã khiến Malaysia lần đầu lên tiếng phản đối.
Các nhà quan sát thế giới tỏ ra bất ngờ trước sự lên tiếng lần đầu tiên của Malaysia – một quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc nhưng luôn giữ im lặng trong nhiều năm qua – về sự hung hăng, lấn lướt của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với báo The Wall Street Journal của Mỹ ngày 8.6, Bộ trưởng An ninh quốc gia Malaysia Shahidan Kassim nói rằng Kuala Lumpur “sẽ phản đối sự xâm nhập của tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển của nước này ở phía bắc đảo Borneo”. “Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ nêu vấn đề trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, báo này trích lời ông Shahidan, nhưng không cho biết ông Najib sẽ lên tiếng khi nào và như thế nào.
Trả lời câu hỏi này của Thanh Niên từ Kuala Lumpur tối 9.6, tiến sĩ Oh Ei Sun, chuyên gia quốc phòng và an ninh của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), đồng thời là cố vấn cho thư ký chính trị của Thủ tướng Najib, nói: “Trước mắt, hai ông Najib và Tập không có lịch gặp nhau, nên việc phản đối sẽ được thực hiện qua điện đàm”.
Trước đó, ngày 3.6, Bộ trưởng Shahidan đã đưa lên Facebook cá nhân 9 bức ảnh chụp tại bãi cạn Luconia (tiếng Malay gọi là bãi Patinggi Ali) trong chuyến khảo sát bằng máy bay của ông ở vùng biển cách bang Sarawak của Malaysia 84 hải lý và cách Trung Quốc đến gần 1.300 hải lý. “Bãi cạn thuộc hàng đẹp nhất thế giới và giàu trữ lượng giàu mỏ, khí thiên nhiên của Malaysia này không nằm trong vùng chồng lấn nào cả. Vậy mà vẫn có tàu nước ngoài xâm nhập”, ông Shahidan viết trên Facebook. Ông cũng cho biết tàu của hải quân và cơ quan thực thi luật biển của Malaysia đã được bố trí cách con tàu của Trung Quốc chỉ 1 hải lý để theo dõi các động thái của “kẻ xâm nhập”.
“Không thể tiếp tục im lặng”
Trung Quốc từng đưa tàu quân sự đến diễn tập tại bãi James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chỉ 80 hải lý trong năm 2013 và 2014. Tuy nhiên, Kuala Lumpur trong những lần đó đều im lặng, thậm chí nói rằng họ không nhìn thấy tàu Trung Quốc trong vùng biển của mình. “Malaysia đã nhiều lần cố tình làm ngơ trước sự xâm nhập của tàu Trung Quốc. Lý do dễ hiểu là Kuala Lumpur không muốn làm xáo trộn quan hệ kinh tế mật thiết với Bắc Kinh”, ông Oh nói với Thanh Niên.
Theo con số chính thức từ hai phía, Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất Đông Nam Á của Trung Quốc từ năm 2008 với kim ngạch song phương 106 tỉ USD năm 2013. “Tuy nhiên, diễn biến gần đây với việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và đưa thiết bị quân sự ra các tiền đồn giữa Biển Đông, làm nhiều quốc gia lo ngại, đã khiến Kuala Lumpur không thể tiếp tục im lặng”, ông Oh nói.
Ông cũng nhìn nhận rằng, hành động của Bắc Kinh đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực tiến gần đến Mỹ và Nhật Bản hơn, cụ thể như việc tập trận chung mới đây giữa Philippines và Nhật Bản tại Biển Đông. Hai bên cũng sắp bàn thảo việc Philippines cho phép Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự của mình.
Đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Oh, một chuyên gia Bộ Quốc phòng Singapore nhận định với Thanh Niên rằng phản ứng mới nhất của Kuala Lumpur không xuất phát từ một rạn nứt nào trong quan hệ với Bắc Kinh, mà đơn giản chỉ vì các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông gây lo ngại sâu sắc cho mọi quốc gia. “Bắc Kinh chưa học được bài học từ vụ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) hồi năm ngoái”, ông này phát biểu.
Tại Đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng 5.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein cũng đã thừa nhận: “Nếu chúng ta không cẩn thận, căng thẳng Biển Đông có thể leo thang thành xung đột thảm khốc nhất trong thời đại của chúng ta”.
Thục Minh |
Theo Thanh Niên