Tiền tỷ dựng Kinh thành Huế, Nhà thờ Đức Bà trong vườn
Gần đây, nhiều nhà mô hình độc, lạ đã xuất hiện tại Việt Nam. Mức độ chân thực, độc đáo, tinh xảo của những ngôi nhà mô hình này chắc chắn sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Thu nhỏ “ngôi nhà quê” Bắc Bộ trong chậu bonsai Tác phẩm bonsai “Quê ngoại” tái tạo ngôi nhà Bắc bộ xưa với nhà chính, nhà ngang, sân, cổng, đống rơm, bể nước,… chân thật một cách đáng kinh ngạc đang gây sốt trên các trang mạng xã hội, diễn đàn. Ngay khi hình ảnh này được đăng tải trên Facebook của anh Đức Toàn, chuyên viên Viện quy hoạch Hải Phòng, cộng đồng mạng bày tỏ sự ngưỡng mộ và không ngừng khen ngợi. Ban đầu, cộng đồng mạng tưởng nhầm anh Toàn là tác giả của tác phẩm nghệ thuật này. Nhưng anh Toàn cho hay, mô hình này thuộc sở hữu của một người chơi bonsai cảnh ở Hải Phòng, và được trưng bày trong cuộc triển lãm của câu lạc bộ bonsai Hải An mở rộng, nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Hải Phòng.
Tác phẩm bonsai “Quê ngoại” tái tạo gần như hoàn chỉnh một ngôi nhà với nhà chính, nhà ngang, sân, cổng, đống rơm, bể nước, cổng nhà, khoảng sân, hàng cây, đặc biệt là bước tường rêu cũ gợi cho người xem nhớ về quê hương. Không chỉ có bề ngoài, ngay cả nội thất bên trong như bàn ghế, sập gụ, tủ chè,… cũng được làm một cách công phu, tỉ mỉ, gần như nguyên mẫu. Tất cả hiện lên thật thân quen khiến nhiều người không khỏi cảm giác nhớ quê. Tái hiện cố đô Huế giữa Sài Gòn để báo hiếu cha mẹ Với mong muốn ba mẹ mình được thấy Huế mỗi ngày, anh Nguyễn Thanh Tùng đã tái hiện toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế cổ kính một cách sinh động giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt. Trong khu Ngự Lãm Viên rộng hơn 1.000 m2 trên đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, anh Tùng phục dựng lại một kiến trúc nghệ thuật cố đô Huế hoành tráng khiến nhiều du khách trầm trồ thích thú, không khỏi sững sờ vì có cảm giác kinh thành Huế cổ kính đang hiện ra trước mắt.
Toàn bộ công trình “Huế thu nhỏ” của anh có 151 kiến trúc. Nét cổ kính, thanh tịnh của vùng đất cố đô được tái hiện một cách sinh động với những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử như: Hoàng thành Huế, lăng các vua triều Nguyễn, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền trên sông Hương thơ mộng,… Quần thể di tích cố đô Huế được làm trong 7 năm mới xong, tốn nhiều công sức và tiền của. Sau hơn chục năm từ khi được xây dựng, các kiến trúc bằng đá được phủ rêu phong càng làm cho các công trình trở nên cổ kính hơn mà không bị hư hại. Lưu giữ hồn quê trong công viên đất nung lớn nhất VN Công viên Văn hóa đất nung Thanh Hà (Hội An) rộng khoảng 6.000 m2 với số vốn đầu tư trên 22 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ là công viên gốm lớn nhất, đồng thời cũng “độc” nhất cả nước. Người thực hiện công trình đồ sộ này là một chàng trai sinh ra từ làng gốm cổ Thanh Hà, có tuổi đời hơn 500 năm. Cuối năm 2011, sau hơn 20 năm xa quê, chàng kiến trúc sư trẻ Nguyễn Văn Nguyên quay lại làng với hoài bão cách tân nghề gốm. Anh lên ý tưởng xây dựng một công viên gốm là nơi để trưng bày, giới thiệu và hình thành các chợ gốm thương mại do làng Thanh Hà sản xuất.
Trải qua bao khó khăn, vất vả để thuyết phục gia đình, dân làng, cuối năm 2011, dự án Công viên đất nung Thanh Hà của Nguyên được khởi công trên khoảng đất trống của làng. Sau gần bốn năm xây dựng, đến nay, công viên đất nung cũng hoàn thiện những khâu cuối cùng. Mặc dù chưa chính thức đưa vào sử dụng nhưng hiện công viên đã trưng bày hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật từ gốm do các nghệ nhân của làng tự tay nhào nặn. Đặc biệt, du khách khi đến đây có thể chiêm ngưỡng cách làm gốm, tự tay sáng tạo các sản phẩm từ đất sét. Hạnh Nguyên(Tổng hợp) |
Theo VietnamNet