Việt Nam là một trong những nước sử dụng amiang nhiều nhất thế giới
(HQ Online)- Trong hội thảo “Chia sẻ thông tin về kết quả hội nghị toàn thể các thành viên công ước Rotterdam, Basel và Stockhom” được tổ chức ngày 30-5, các đại biểu cho rằng để thực hiện việc cấm hoàn toàn sử dụng amiang trắng tại Việt Nam cần có sự quyết tâm thực sự của Chính phủ, sự vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội.
Quang cảnh hội thảo ngày 30-5. Ảnh: Hoài Anh.
Theo đại diện Ban tổ chức, ngày 19-9-2014, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 7307/VPCP-KGVX về việc giao cho các bộ, trong đó riêng Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020. Amiăng trắng được Viện nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC/CRC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm nhất. Theo ước tính của WHO, hàng năm có hơn 100 nghìn người tử vong vì các căn bệnh do amiăng gây ra, chưa kể hàng triệu người phải sống chung với các bệnh tật do hóa chất này Tại buổi hội thảo, ông Trần Tuấn, Trưởng ban thường trực hành động liên minh vận động chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), đại diện nhóm công tác của Việt Nam tham gia hội nghị toàn thể các thành viên công ước Rotterdam, Basel và Stockhom (diễn ra từ ngày 4-5 tại Geneva, Thụy Sỹ) cho biết: sau nhiều năm là quốc gia phản đối việc đưa amiang vào phụ lục 3 thuộc danh sách hóa chất độc hại cấm sử dụng, trong hội nghị lần này, tinh thần của đoàn Việt Nam đã có sự tiến bộ khi Việt Nam không phản đối nữa mà giữ thái độ “yên lặng” với các vấn đề thảo luận liên quan đến 3 công ước này. Vấn đề được các địa biểu bàn luận sôi nổi nhất trong phiên họp chính là trên thực tế, việc cấm sử dụng amiang tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, dù đã có công văn 7307 của Chính phủ. Bà Nguyễn Hồng Tú, chuyên gia WTO, hiện nay có 35 nước sử dụng amiang, trong đó có 10 nước Châu Á, nhưng 10 nước này lại chiếm hầu hết tỷ lệ amiang của thế giới. Việt Nam là điểm mà thế giới quan tâm, bởi là một trong những nước sử dụng amiang nhiều nhất. Bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm thông tin Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC), cho rằng nếu để đến 2020 mới dừng sử dụng thì từ nay đến đó mỗi năm Việt Nam vẫn nhập 65 ngàn tấn amiang, chưa nói đến độc hại, chỉ xử lý phế thải thôi cũng đã quá lớn rồi. Việt Nam có 41 nhà máy với 5.000 lao động, nếu tính về thiệt hại sức khỏe mà nó mang lại thì Chính phủ sẽ giải quyết được. Tuy nhiên, việc cấm sử dụng chưa rõ khiến DN hoang mang. Nhiều DN sản xuất tấm lợp tồn kho đến 10 tỷ đồng, công nhân không có việc làm. “Quyết định của Chính phủ chi phối đến hoạt động của DN. Chính phủ quyết liệt thì DN sẽ mạnh dạn chuyển đổ”, bà Vân phát biểu. Các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng, cần xây dựng lộ trình để thực hiện việc dừng sử dụng amiang tại Việt Nam càng sớm càng tốt. Trong đó cần đẩy mạnh truyền thông bằng cách đề ra chiến lược truyền thông về tác hại của amiang, qua đó xây dựng những cộng đồng nói không với amiang. Việc giám sát việc thực hiện công văn 7307 là rất quan trọng, nhưng tiếng nói của các nhà khoa học chưa được quan tâm sâu sắc. Theo đó, Chính phủ, Quốc hội và ngay cả các tổ chức xã hội cần có thông điệp mạnh mẽ. |
Theo Báo Hải Quan