Origami và nghệ thuật xếp giấy đẹp “không tưởng”
Nghệ thuật gấp giấy origami được cho là có xuất xứ từ Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 6, được truyền lại từ đời này qua đời khác, chủ yếu phổ biến trong tầng lớp samurai cầm quyền. Qua nhiều thế kỷ, origami chỉ là một loại hình thủ công đơn giản, được sử dụng chủ yếu để gấp những hình thù đặc sắc từ giấy, phục vụ cho lễ hội và tôn giáo.
Nghệ thuật origami ra đời với mục đích tôn vinh sự tài hoa, tinh tế của người Nhật. Chỉ bằng trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo, người nghệ nhân biến những mảnh giấy thành các mô hình đa dạng đủ thể loại. Điều đặc biệt ở nghệ thuật origami truyền thống là mỗi mô hình chỉ bắt nguồn từ một tờ giấy duy nhất. Kéo hay keo dán là điều cấm kị đối với môn nghệ thuật này.
Nghệ nhân Akira Yoshizawa bên cạnh những tác phẩm của mình.
Số lượng cách gấp cơ bản không quá nhiều, nhưng chúng có thể kết hợp với nhau theo rất nhiều cách để tạo nên các mô hình phức tạp, đa dạng và vô cùng sống động. Nó đã được phát triển thành một bộ môn nghệ thuật vào thế kỷ 20 bởi Akira Yoshizawa, một nghệ nhân gấp giấy nổi tiếng của Nhật Bản.
Lấy cảm hứng từ các tác phẩm xếp giấy của Yoshizawa, Eric Joisel, người đàn ông Pháp độc thân có tên trong danh sách những nghệ nhân gấp giấy origami tài ba nhất thế giới, đã tạo ra hàng loạt các tác phẩm cực kỳ ấn tượng, từ những chú gà con đến những con tê giác với kích cỡ thật, hay một ban nhạc với đầy đủ nhạc cụ, thậm chí là cả các nhân vật trong bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”.
Chân dung nghệ nhân Eric Joisel.
Vào đầu những năm 1980, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng các tác phẩm của nghệ nhân gấp giấy Yoshizawa, Joisel đã nhận ra gấp giấy là niềm đam mê của cuộc đời mình và quyết tâm theo đuổi nó.
Tác phẩm “Chúa tể những chiếc nhẫn”.
Không giống như các tác phẩm origami truyền thống, các bước thực hiện đều được xác định rõ ràng để cho người gấp có thể tạo nên một bản sao chính xác của mô hình. Mỗi tác phẩm của Joisel đều có sự biến hóa trong nếp gấp, tạo ra các đường nét và hình hài phù hợp. Bởi vậy mà mỗi tác phẩm của ông đều là độc nhất vô nhị. Có những mô hình phải mất tới nhiều năm để thiết kế và hàng trăm giờ để gấp hoàn thiện.
Ông làm việc với rất nhiều loại giấy cũng như chất liệu nhưng sử dụng nhiều nhất là giấy bồi, giấy kim loại bọc thức ăn và sơn acrylic tạo màu cho chúng (có thể trước hoặc sau khi gấp). Ông cũng dùng cả nguyên liệu cho gấp giấy origami truyền thống là giấy kozo. Một tác phẩm với kích cỡ lớn có thể đòi hỏi những tờ giấy có kích cỡ lên đến khoảng 7m x 8m.
Các tác phẩm gấp giấy của Joisel đã được trưng bày ở các cuộc triển lãm trên toàn thế giới, xuất hiện trong rất nhiều các bộ sưu tập cá nhân của cá thương gia giàu có. Giá trị của chúng có thể lên tới hàng ngàn đô la. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy rằng có rất ít người thực sự đánh giá được giá trị nghệ thuật của nó. Ông nói rằng, mặc dù origami đã trở thành bộ môn nghệ thuật với số lượng người người đam mê, luyện tập thường xuyên, nhưng ngoài số đó ra, rất ít người thực sự hiểu được đó là một nghệ thuật chân chính. Đối với họ, origami chỉ là những con hạc giấy, hay những chiếc mũ của samurai.
Nghệ nhân Joisel bên tác phẩm tê giác làm từ giấy của mình.
Những thử nghiệm đầu tiên của ông có chủ đề động vật. Lần đầu tiên thử gấp một con tê tê, ông đã mất tới sáu năm. Đối với ông, mọi đường nét tạo nên hình dáng con tê tê phải vô cùng chính xác và sắc nét. Quan trọng hơn cả, nó chỉ được gấp từ một tờ giấy duy nhất. Sau đó, ông chuyển sang các mô hình người, chủ yếu tập trung ở khuôn mặt. Ông đã phát triển một loạt các kỹ thuật để tạo nên các đường nét hài hòa và những bộ tóc tỉ mỉ, khiến khuôn mặt được gấp trở nên đầy sức sống.
Chú tê tê trên khúc gỗ.
Eric Joisel giải thích rằng, quá trình sáng tạo một tác phẩm giấy gấp cũng giống như “phương pháp khoa học”. Khi muốn tạo ra mô hình một con người, cần giả thiết rằng bốn góc của tờ giấy sẽ là tứ chi, từ đó những nếp gấp lớn hơn được phát triển dần, tạo nên “bản phác thảo” các nếp gấp cần thiết để tạo hình.
Từ những năm 1990, Joisel đã dành toàn bộ thời gian của mình để làm công việc gấp giấy. Mặc dù giá trị của mỗi tác phẩm không hề nhỏ, song ông vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống thanh bình trong một ngôi nhà nhỏ theo kiểu nông trại ở Sannois, cách Paris không xa. Tuy vậy, “tài hoa bạc mệnh”, người nghệ sĩ đáng kính này mất vì bệnh ung thư ngày 10/10/2010, hưởng thọ 53 tuổi. Ông sống độc thân cho đến cuối đời.