‘Nhà Bác Hồ’ ở Sài Gòn
TP – Với nhiều người thì “cột mốc” Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là từ Bến Nhà Rồng, song với những người dân Sài Gòn thì họ còn “chi li” hơn, khi tính đến thời điểm vào một buổi sáng tháng Năm, năm 1911 Bác Hồ xuất phát từ ngôi nhà số 5, Châu Văn Liêm, quận 5 đi ra bến cảng. Những lễ rước đuốc thường diễn ra từ ngôi nhà này rồi mới ra bến cảng Nhà Rồng.
“Nhà Bác Hồ” ở Sài Gòn. Ảnh: T.N.A. “Nhà Bác Hồ” Buổi sáng tháng Năm 2015, tôi đến nhà số 5 phố Châu Văn Liêm, quận 5, TPHCM, nơi được công nhận di tích quốc gia ghi: “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước” theo quyết định số 307 vào ngày 16/11/1986 của Bộ Văn hóa. Sở dĩ ngày công nhận khá muộn, theo các cán bộ di tích ở đây cho biết thì: “Ngôi nhà trải qua nhiều chủ, hồi trước 1975 do tư nhân quản lý, sau 1975 do ngành y tế quản lý. Khi làm xong các thủ tục cần thiết thì những năm 1980, ngôi nhà được giao lại cho ngành văn hóa quản lý với tư cách quản lý di tích”. Hầu như ngày nào cũng có người tới thăm di tích và thắp hương tại ngôi nhà lịch sử. Chị Nguyệt là cán bộ hướng dẫn khách tham quan nói: “Những ngày cao điểm có từ 2.000-3.000 lượt khách tới tham quan, dù di tích này chỉ do ngành văn hóa quận quản lý trông coi thôi”. Khách các tỉnh đến rất nhiều. Có thời gian tôi làm việc tại báo Sài Gòn Giải Phóng, nơi chỉ cách ngôi nhà này vài con phố và thường qua lại con phố này. Bên kia đường có hàng bán hạt dẻ rất ngon. Những người dân thường nói với tôi ngôi nhà di tích này là “nhà Bác Hồ”. Họ kể rằng: “Hồi trước, nơi này nhiều kênh rạch và việc di chuyển chủ yếu bằng thuyền chứ không phải đường bộ như bây giờ. Xung quanh còn nhiều cây cối. Bác Hồ đã ở đây hoàn toàn bí mật, chỉ sau này công nhận di tích mới biết và kể chuyện với nhau thôi”. Những người già kể lại rằng: “Người dân sau này nói lại là Bác Hồ ra bến Cảng vào lúc 4 giờ sáng, khi ấy phố phường còn rất vắng vẻ, mát mẻ. Bác đi ra phía bờ kênh nối với bến Nhà Rồng, nhưng sau đó Bác đi bằng thuyền hay bằng xe ra bến Cảng thì không ai nhìn thấy, vì bên dòng kênh cũng có một con đường lớn nữa”. Công ty nước mắm Liên Thành là một cơ sở làm kinh tài gây quỹ hoạt động cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành cũng xuất thân từ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngày đó Nguyễn Tất Thành là một trong những giáo viên của trường Dục Thanh tại Phan Thiết, ngôi trường này được tài trợ bởi phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mà công ty Liên Thành là một nòng cốt. Rời trường Dục Thanh – theo chị Nguyệt hướng dẫn viên thì “Nguyễn Tất Thành đã ở một số nơi tại Sài Gòn trước khi lên tàu đi tìm đường cứu nước, trong đó nơi ở lâu nhất là tại ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm hiện nay, đây cũng là chi nhánh của công ty Liên Thành tại Sài Gòn, vì công ty này có trụ sở chính tại Phan Thiết”. Khi ấy, ban ngày công ty đông đúc người làm việc, chủ yếu là phân phối sản phẩm, nhưng về đêm thì rất yên tĩnh. Chị Nguyệt hướng dẫn viên giới thiệu về các nhà cách mạng của Cty Liên Thành đã giúp bác Hồ ở Sài Gòn. Khám phá di tích Do thành phố Sài Gòn nhiều năm bị Pháp chiếm đóng rồi Mỹ xâm lược, nên hầu hết di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được giữ bí mật, hoặc không được nhắc tới, không được nghiên cứu. Thật ra, nơi đây còn nhiều di tích liên quan tới những ngày Bác Hồ ở Sài Gòn. Chẳng hạn ngôi nhà ông Lê Văn Đạt, số 185/1 đường Cô Bắc, Quận 1 cũng được các nhà nghiên cứu lịch sử công nhận là một trong những nơi ở của Nguyễn Tất Thành. Chị Nguyệt nói: “Tôi làm việc ở đây hơn chục năm, nhưng hiếm khi gặp hậu duệ của những người thuộc công ty Liên Thành. Nhưng tôi cũng nghe nói có người con cháu của họ đang đề nghị được công nhận một điểm dừng chân nữa của Bác Hồ thời kỳ ở Sài Gòn. Các cơ quan chức năng đang thẩm định địa điểm này”. Ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm là một trong hai di tích lịch sử quan trọng của quận 5, bên cạnh di tích nhà thương Chợ Quán, nơi giam giữ và hi sinh của Tổng bí thư Trần Phú khi mới 27 tuổi. Chi nhánh của Liên Thành trước gồm 3 tòa nhà liền kề nhau, nhưng do biến thiên lịch sử, nay chỉ còn lại căn nhà chính giữa dành làm di tích. Ngôi nhà được tôn tạo sửa chữa, nhưng cơ bản nó vẫn giữ được kiến trúc trước kia, tương tự như những ngôi nhà cổ từ thời Pháp vẫn còn quanh đó. Nó gồm một tầng trệt và một tầng lầu, được nối với nhau bằng cầu thang gỗ nhỏ. Đứng trên gác, có thể nhìn thấy rõ dòng kênh lớn, nơi thuyền bè xuôi ngược ra bến cảng Nhà Rồng. Phía bên kia dòng kênh cũng là nơi đặt xưởng đóng chai nước mắm của công ty Liên Thành. Ngày nay, tầng trệt ngôi nhà được trưng bày hình ảnh và bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tầng trên dành trưng bày hàng trăm hình ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có in câu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiện trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hi sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” (Trích nhận định của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam 1969). Cầu thang bằng gỗ rất hẹp dẫn lên tầng trên, nơi Bác Hồ ở. Lớp trẻ háo hức Cô Nhung là hiệu phó trường tiểu học gần đó. Hôm nay cô dẫn các cháu tiêu biểu là cán bộ các liên đội đến thắp hương và tìm hiểu về di tích. Các bạn rất thích thú và tò mò trao đổi với nhau về các bức ảnh đã phai màu. Khi được yêu cầu đọc 5 điều bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng các bạn nghiêm trang đọc rành rọt. Cô Nhung nói: “Các cháu vẫn thường xuyên được đi thăm di tích lịch sử này để rèn luyện ý chí phấn đấu vượt khó vươn lên trong học tập”. Anh Đạt, cán bộ văn hóa quận 5 bảo: “Tuần tới chúng tôi sẽ chào cờ tại di tích này, thay vì chào cờ ở cơ quan”. Anh phụ trách âm thanh cho các buổi lễ. Anh Đạt nói kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 năm nay: “Thành đoàn TPHCM tổ chức chào cờ và rước đuốc tại đây từ 5 giờ sáng, diễu hành qua các phố và tiến thẳng ra Bến Nhà Rồng. Để chuẩn bị cho đoàn, chúng tôi sẽ tới đây từ 4 giờ rưỡi”. Chị Nguyệt thì bảo: “Chỉ riêng một phường ở đây cũng đã có tới mười mấy chi bộ, và từng chi bộ thường xuyên qua thắp hương. Từ đó có thể tính ra số lượng khách tham quan, vì quận 5 có rất nhiều phường, chưa kể các quận gần đây như quận 10, quận 3, quận 1 cũng thường xuyên lui tới”. Khách tới thăm “nhà Bác Hồ” không chỉ là người dân trong thành phố mà còn ở khắp đất nước. Bác Hồ Phạm Nguyên ở Tam Điệp, Ninh Bình cảm xúc viết trong sổ lưu niệm bài thơ có những câu: “Nhà Rồng buổi ấy Bác ra đi/ Phụ bếp khiêng than có quản gì”. Tổ Công đoàn bảo vệ từ Đồng Tháp viết: “Tấm gương của Bác luôn là kim chỉ nam cho chúng em học tập và làm theo Người”. Xúc động nhất đối với anh chị em làm ở “Ngôi nhà Bác Hồ” là được các đoàn cán bộ chiến sĩ biển đảo về thăm. Họ giở cuốn sổ lưu niệm và chỉ cho tôi dòng chữ cán bộ chiến sĩ ghi “Đảo chúng tôi xin hứa với Bác Hồ và nhân dân quận 5 quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của tổ quốc”. 5/2015 “Người dân sau này nói lại là Bác Hồ ra bến Cảng vào lúc 4 giờ sáng, khi ấy phố phường còn rất vắng vẻ, mát mẻ. Bác đi ra phía bờ kênh nối với bến Nhà Rồng, nhưng sau đó Bác đi bằng thuyền hay bằng xe ra bến Cảng thì không ai nhìn thấy, vì bên dòng kênh cũng có một con đường lớn nữa”. Chị Nguyệt hướng dẫn viên giới thiệu về các nhà cách mạng của Cty Liên Thành đã giúp bác Hồ ở Sài Gòn. Cầu thang bằng gỗ rất hẹp dẫn lên tầng trên, nơi Bác Hồ ở. |
Theo Tiền Phong