Người di cư tàn sát nhau trên biển, cả trăm người chết
TTO – Các nhân chứng mô tả hai nhóm người Bangladesh và Rohingya cầm rìu, dao và thanh sắt lao vào đâm chém nhau dữ dội để giành thức ăn và nước ngọt đang cạn dần trên tàu.
Ngày 19-5, những người di cư từ Bangladesh và Myanmar đến tỉnh Aceh ở Indonesia tàn sát lẫn nhau trên một chiếc tàu để tranh giành thực phẩm khiến ít nhất 100 người chết. Theo AFP, trong các trại tị nạn ở thị trấn Langsa thuộc Aceh, cả hai nhóm người Bangladesh và người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar cho biết một cuộc hỗn chiến khủng khiếp đã xảy ra trên chiếc tàu ngoài khơi Indonesia. Các nhân chứng mô tả hai nhóm người Bangladesh và Rohingya cầm rìu, dao và thanh sắt lao vào đâm chém nhau dữ dội để giành thức ăn và nước ngọt đang cạn dần trên tàu. Kết quả là hơn 100 người thiệt mạng. Một số người nhảy khỏi tàu để tránh bị đánh chết. Những người sống sót sau cuộc chiến trên tàu được ngư dân Indonesia giải cứu và đưa lên bờ. Rất nhiều người sống sót bị nhiều vết chém và bầm dập trên người. Cả hai bên đều đổ tội lẫn nhau. Phe nào cũng nói đối phương là phía tấn công trước trong khi nhóm thủy thủ lái tàu đã bỏ trốn từ lâu. Giới chuyên gia nhận định vụ việc cho thấy sự thảm khốc của cuộc khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á trong thời gian qua. Mới đây Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á tìm kiếm và giải cứu người di cư Bangaladesh và Myanmar trên biển. Hiện tại, chính quyền các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều bày tỏ lo ngại về số phận một chiếc tàu chở ít nhất 300 người Rohingya đang lênh đênh trên biển. Trước đó hải quân Thái Lan đã tiếp cận tàu này, cung cấp thực phẩm, thuốc men cho đám đông người di cư rồi hộ tống tàu ra vùng biển quốc tế. Nhưng hiện tại nhà chức trách các nước đã mất liên lạc với con tàu. Có khả năng tàu gặp nạn và hơn 300 người thiệt mạng trên biển. Ước tính gần 3.000 người Hồi giáo Rohingya gốc Myanmar và người Bangladesh vượt biển tới Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong hơn một tuần qua. Nhiều tàu khác bị nhà chức trách các nước từ chối tiếp nhận, dẫn tới sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. NGUYỆT PHƯƠNG
|
Theo Tuổi Trẻ