Tiêu thụ nông sản: Ai cầm trịch?
(HQ Online)- Câu chuyện “được mùa rớt giá”, ùn tắc ở cửa khẩu của nông sản Việt Nam vẫn diễn ra bao nhiêu năm nay. Bài toán đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho vấn đề này?
Dưa hấu xếp hàng chờ XK tại cửa khẩu Lạng Sơn (tháng 4-2015). Ảnh: HỒNG NỤ
Lộ rõ bất cập Những ngày qua là chuỗi ngày “đen đủi” đối với mặt hàng nông sản Việt Nam. Mở đầu là hàng nghìn tấn dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi ùn tắc cả tuần liền ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Do lượng hàng XK quá lớn dẫn tới tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu. Tiếp theo là 50.000 tấn hành tím Sóc Trăng ế ẩm, chất đống ngoài ruộng do Indonesia ngừng nhập. Một chiến dịch bán dưa, bán hành tím giúp bà con nông dân đã được Bộ Công Thương, các Tỉnh Đoàn và cộng đồng mạng rầm rộ thực hiện. Hành động này thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, điều ấy như càng tô đậm thêm nghịch cảnh được mùa mất giá của người nông dân, đặc biệt tô đậm những bất cập trong việc quản lý và điều hành mặt hàng này trong một thời gian dài. Bất cập đó là: Thứ nhất, chất lượng hàng hóa của chúng ta đang có vấn đề. Rất nhiều người mua dưa ủng hộ bà con phản ánh rằng, dưa hấu dù quả to, mẫu mã đẹp nhưng ăn rất nhạt. Hơn nữa, việc tiêu thụ nông sản không thể dựa vào tình thương để phát triển. Phải chăng, cơ quan quản lý đang “bế tắc” trong việc tìm đường XK cho hàng nông sản? Thứ hai, yếu kém của hệ thống phân phối lộ rõ. Trong khi dưa bán tại ruộng chỉ 2.000-3.000 đồng/kg thì ở trong siêu thị vẫn cao gấp 7-8 lần, thậm chí gấp 10 lần. Ở các nước, quả dưa hấu khi sản xuất ra được đưa thẳng đến khâu bán lẻ, không có chuyện qua 4-5 “cầu” thương lái, giá đội lên ngất ngưởng. Thứ ba, chúng ta luôn trong tình trạng thu hoạch rồi mới quan tâm tới XK ở đâu? Câu trả lời cho câu hỏi này là “công tác xúc tiến thương mại đang có vấn đề”. Việc xúc tiến thương mại thời gian qua tiêu tốn tiền tỷ (dù DN và cơ quan quản lý đều cho là ít) nhưng không mấy hiệu quả. Thứ tư, bài toán quy hoạch và liên kết đang có vấn đề. Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về việc liên kết bốn nhà (nhà nông, DN, Nhà nước và nhà khoa học) trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vai trò của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Song, trong khi bài toán liên kết vẫn chưa giải được bao nhiêu thì nông sản dư thừa mỗi năm một nhiều. Về vấn đề quy hoạch, đại diện của Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành nông nghiệp có quy hoạch cụ thể cho nhiều mặt hàng nông sản, đến từng giai đoạn và thị trường mục tiêu, nhưng khó nhất là bị phá vỡ quy hoạch do lợi nhuận trước mắt. Tìm nhạc trưởng Như vậy, với điệp khúc “đến hẹn lại lên” của mặt hàng nông sản, rất cần có “nhạc trưởng” để tránh lặp lại kịch bản này. Nhắc tới câu chuyện điều hành, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho rằng, cả các giải pháp điều hành trong ngắn hạn hay dài hạn của các bộ, ngành đều đang có vấn đề. “Lâu nay ‘phối hợp’ vẫn là điều chúng ta nói tới nhiều nhất, nhưng lại làm yếu nhất”, ông Dũng nói. Phân tích rõ hơn nhận định trên, ông Dũng cho hay, các bộ, ngành đều “vẽ” ra quy hoạch rất đẹp, nhưng trách nhiệm thực hiện lại do các tỉnh, thành. Thế nhưng khi nông dân “xé rào” vượt quy hoạch thì trách nhiệm không thuộc về ai. “Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm năng rất lớn về nông sản và thủy hải sản. Tuy nhiên, do chính sách không tốt nên nông sản cứ ách tắc, tiềm năng không được khai thác hết. Nếu không có một chính sách giải quyết vấn đề ách tắc thì bên vẽ cứ vẽ, bên làm cứ làm, ông Dũng thẳng thắn. Sự “phối hợp” lệch pha thể hiện ở việc tách nhóm giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và DN khi tính toán, thống nhất giữa mục tiêu điều hành. Trong khi Bộ NN&PTNT chỉ tập trung vào sản lượng, quy đổi ra tấn, thì Bộ Công Thương tính bằng tỷ USD XK, trong khi DN tính tới lợi nhuận. “Ba nhóm chỉ tiêu này cần có sự thống nhất, thông tin phù hợp mới tránh được chỉ đạo chồng chéo, gây khó khăn cho nhau”, ông Dũng nói và đề xuất: “Trong phân công bộ máy, tôi nghĩ Bộ Công Thương không phải người đi bán nông sản. Nói chung sản xuất và bán hàng phải đặt về trách nhiệm cho một Bộ NN&PTNT”. Qua từng mùa, vụ, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đều ngồi lại, rút kinh nghiệm cho việc điều hành nhưng vẫn không tìm ra được giải pháp. Dù mỗi bộ đều được Chính phủ giao nhiệm vụ nhưng đề xuất của hiệp hội, ngành hàng không phải không có lý bởi không thể cùng một lúc diễn ra tình trạng người trồng cứ trồng mà không quan tâm đến người bán làm thế nào. Nếu không tìm được “trọng tài” thì trận chiến hàng nông sản vẫn cứ như vòng luẩn quẩn mà người nông dân không thể thoát ra. |
Theo Báo Hải Quan