Đo mức độ nghiện của người dùng smartphone
Hành động đầu tiên sau khi thức dậy mỗi sáng của nhiều người là quờ tay tìm điện thoại và kiểm tra các thông báo, cập nhật mới.
“Anh đang làm gì vậy”, vợ của Harry Wallop, biên tập viên báo Telegraph, khó chịu hỏi. “Anh chỉ xem mấy giờ thôi”, Wallop trả lời và bỏ điện thoại xuống giường. Đó là một lời nói dối. Điều đầu tiên ông làm khi tỉnh dậy vào buổi sáng là cầm điện thoại lên, mở mạng xã hội và xem những gì đang diễn ra. Đó cũng là điều cuối cùng ông làm trước khi đi ngủ.
Hiện nay, chứng nghiện smartphone không xa lạ. Rất nhiều người rơi vào tình trạng gọi là nomophobic (no-mobile-phone phobia) – sự ám ảnh, lo lắng khi không có điện thoại bên cạnh. Theo nghiên cứu mới nhất của Ofcom tuần này, thời gian online trung bình mỗi tuần của người dùng đã nhân đôi từ 9,9 giờ cách đây 10 năm lên 20,5 giờ hiện nay. Bác sĩ Richard Graham tại bệnh viện Nightingale Hospital (Anh) cho hay, vấn đề đang ngày càng trở nên tồi tệ những năm gần đây do sự tăng lên chóng mặt của các chủng loại thiết bị di động có thể kết nối Internet, từ máy tính bảng cho tới đồng hồ thông minh hay vòng đeo tay như Fitbit, Apple Watch…
“Nghiện điện thoại cũng gây nhiều thiệt hại như nghiện rượu hay cờ bạc. Hãy nghĩ đến mức độ ảnh hưởng của nó tới các mối quan hệ và liệu những người khác cảm thấy như thế nào khi bạn dành quá nhiều thời gian chúi mặt vào màn hình”, Graham nhấn mạnh. Một nghiên cứu độc lập khác chỉ ra rằng trung bình mỗi người Anh kiểm tra điện thoại của họ 50 lần một ngày. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xây dựng bản khảo sát chứa 20 câu hỏi để xác định mức độ nghiện smartphone của mỗi người.
Hãy trả lời 20 câu hỏi sau để đo mức độ nghiện smartphone của bạn: 1. Bạn thấy không thoải mái khi không thể nhanh chóng tiếp cận thông tin trên smartphone? 2. Bạn thấy bực bội khi không thể tìm kiếm thông tin trên smartphone khi bạn muốn? 3. Không thể xem tin tức từ điện thoại khiến bạn lo lắng? 4. Bạn bực bội vì không thể sử dụng smartphone khi bạn muốn? 5. Smartphone sắp hết pin khiến bạn không vui? 6. Bạn lo ngại vì đã dùng hết dung lượng data giới hạn hàng tháng? 7. Khi không thấy tín hiệu 3G hay không kết nối được Wi-Fi, bạn sẽ liên tục kiểm tra xem đã có tín hiệu chưa hay Wi-Fi đã hoạt động chưa? 8. Nếu không thể sử dụng smartphone, bạn cảm thấy như bị mắc kẹt ở đâu đó? 9. Trong hoàn cảnh không thể kiểm tra điện thoại, bạn cảm thấy rất mong muốn được sử dụng nó? Trường hợp không có smartphone bên mình: 10. Bạn cảm thấy lo lắng vì không thể ngay lập tức liên lạc với bạn bè và gia đình? 11. Bạn cảm thấy lo lắng vì gia đình, bạn bè không thể liên lạc với bạn? 12. Bạn cảm thấy lo lắng vì không thể nhận tin nhắn, cuộc gọi? 13. Bạn cảm thấy lo lắng vì không thể theo dõi thông tin của gia đình, bạn bè? 14. Bạn cảm thấy lo lắng vì bạn không biết liệu có ai đó đang cố gắng liên hệ với bạn không? 15. Bạn cảm thấy lo lắng vì sự kết nối giữa bạn với gia đình, bạn bè bị đứt quãng? 16. Bạn cảm thấy lo lắng vì mất kết nối với các tài khoản trên mạng? 17. Bạn cảm thấy không vui vì không thể cập nhật các thông tin trên mạng xã hội? 18. Bạn cảm thấy khó chịu vì không thể theo dõi các nhắc báo (notification) từ mạng xã hội và các nguồn khác? 19. Bạn cảm thấy lo lắng vì không thể kiểm tra e-mail? 20. Bạn cảm thấy kỳ cục vì không biết nên làm gì? Minh Minh |
Theo Sohoa.net