Cách lấy ráy tai cho bé an toàn, hiệu quả
Nhiều cha mẹ muốn giúp con lấy sạch ráy tai, nhưng e ngại làm không đúng cách sẽ làm tổn thương màng nhĩ của con.
Nên lấy ráy tai thế nào cho an toàn?
Biện pháp an toàn nhất là dùng khăn ẩm lau ống tai ngoài khi tắm cho bé. Sau khi dùng khăn mặt mỏng lau sạch các góc tai ngoài, hãy xoắn một đầu khăn lại như hình cái kén rồi đưa một đoạn ngắn vào trong ống tai của bé. Làm như vậy các bà mẹ sẽ chạm tới ráy tai và khiến nó tự rơi ra ngoài. Nên tránh đụng chạm nhiều đến ống tai vì càng kích thích, ráy tai sẽ sản sinh càng nhiều. Cách lấy ráy tai cho bé an toàn, hiệu quả. Đối với những bé dưới 36 tháng tuổi: Hàng ngày dùng khăn mềm thấm một chút nước ấm lau nhẹ vành tai bên ngoài của bé. Nếu việc lau chùi bằng khăn không có hiệu quả vì ráy tai của bé quá nhiều, bạn có thể dùng nước nhỏ tai để làm mềm ráy tai trước khi lau bằng khăn. Những lưu ý khi lấy ráy tai cho bé Không dùng tăm bông lấy ráy tai bé vì có thể gây nguy hiểm cho bé. Cũng giống như các khu vực khác trên cơ thể, vùng da bên trong tai rất mỏng nên nếu lau chùi mạnh tay, bạn có thể làm con mình bị đau rát, thậm chí có thể gây thủng màng nhỉ trong trường hợp tăm bông bị đưa vào quá sâu. Đừng cố làm sạch tai của bé khi chúng đang khô ráo vì bạn sẽ làm da trẻ bị kích ứng và trầy xước. Rất nhiều bà mẹ có thói quen (ngay cả người lớn cũng hay có thói quen này) mỗi lần tắm cho con xong là lấy cây tăm bông lau ống tai cho con. Nếu lau tai thường xuyên như vậy vô tình chúng ta đẩy mỗi lần một ít ráy tai vào sâu hơn. Ráy tai nằm bên ngoài lấy không đau nhưng ráy tai nằm sâu bên trong lấy rất đau. Chỉ khi nào trẻ bị nước vào tai, hay khi ói sữa chảy vào tai mới cần dùng tăm bông để lau chùi. Bình thường tắm cho bé xong chỉ cần lau khô vành tai và vùng trước cửa tai là được. Phương Vũ |
Theo Báo Gia Đình Việt Nam