Qasr al-Farid – Lâu đài cô đơn của Nabataean
Vương quốc Nabataean từng cai trị một diện tích trải dài từ nam Levant đến Bắc Ả Rập, một vị trí cho phép họ kiểm soát con đường hương liệu đi qua bán đảo Ả Rập. Kết quả của giao dịch thương mại béo bở này đã khiến Nabataean vô cùng giàu có và lớn mạnh. Sự giàu có này có thể thấy được qua các công trình kiến trúc đồ sộ họ xây dựng.
Công trình kiến trúc Nabataean nổi tiếng nhất có lẽ là al-Khazneh ở Petra, ngày nay là Jordan. Người Nabataean còn là những thợ thủ công tay nghề cao trong lĩnh vực điêu khắc đá, nhiều dẫn chứng cho thấy tài nghệ của họ có thể được tìm thấy trên khắp vương quốc. Một trong số công trình kỷ niệm đó là Qasr al-Farid.
Qasr al-Farid (nghĩa là “Lâu đài cô đơn”) nằm trong di tích khảo cổ Madâin Sâlih, còn được gọi là al-Hijr hay Hegra, ở phía Bắc của Ả Rập Saudi. Mặc dù được gọi là một lâu đài, Qasr al-Farid chỉ một trong 111 lăng mộ hoành tráng nằm rải rác xung quanh miền đất Madâin Sâlih, một di tích khảo cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới trong năm 2008. 94 trong số lăng mộ này được trang trí.
Qasr al-Farid là một trong những lăng mộ nổi tiếng nhất ở Madâin Sâlih, và cái tên này dùng để chỉ vị trí hoàn toàn cách ly khỏi các lăng mộ khác trong khu vực. Điều này là không bình thường vì hầu hết các lăng mộ hoành tráng được tìm thấy ở Madâin Sâlih đều tập trung theo nhóm, ví như lăng mộ Qasr al-Bint, khu mộ Qasr al-Sani, và những lăng mộ trong khu vực Jabal al-Mahjar.
Báo cáo cho biết Qasr al-Farid có bốn tầng. Kiểu lăng mộ này chứng tỏ sự giàu có và địa vị xã hội của người đã đặt làm nó, chắc chắn lớn hơn có nghĩa là tốt hơn. Một khía cạnh đáng chú ý khác của Qasr al-Farid là số trụ bổ tường trên mặt trước của nó. Tất cả mặt trước của lăng mộ khác ở Madâin Sâlih chỉ có hai trụ bổ tường, một bên trái và một bên phải. Tuy nhiên, Qasr al-Farid có đến bốn trụ bổ tường trên mặt trước của nó, mỗi bên một cái và hai cái ở giữa. Đây có thể là một dấu hiệu nữa cho thấy chủ nhân của lăng mộ này là một người vô cùng giàu có và có vị trí quan trọng trong xã hội Nabataean.
Những người Nabataean bí ẩn có nguồn gốc từ một bộ lạc du mục, nhưng khoảng 2.500 năm trước, họ đã bắt đầu xây dựng những khu định cư lớn và thành phố thịnh vượng từ thế kỷ thứ 1 TCN đến thế kỷ 1 SCN, bao gồm cả các thành phố tráng lệ ở Petra thuộc Jordan. Bên cạnh hoạt động nông nghiệp, họ đã phát triển các hệ thống chính trị, nghệ thuật, kỹ thuật, điêu khắc đá, thiên văn học và cho thấy sự tinh thông về thủy lực đáng kinh ngạc, bao gồm cả việc xây dựng giếng, bể chứa nước và ống dẫn nước.
Điều đáng ngạc nhiên khác là việc xây dựng lăng mộ Qasr al-Farid đã không bao giờ được hoàn thành. Thật không may, chúng ta rất khó để tìm ra ai là chủ của lăng mộ này. Chúng ta cũng không biết nguyên nhân dự án này bị từ bỏ. Qasr al-Farid là một công trình dang dở, nhưng được xây dựng theo lối khá thú vị, vì rất khó điêu khác ở phần dưới mặt trước lăng mộ. Có ý kiến cho rằng nó đã được tạo hình từ trên xuống.
Vào thế kỷ thứ 3, con đường hương liệu đã suy giảm do khủng hoảng chính trị và kinh tế mà Đế chế La Mã phải đối mặt. Do đó, nhiều thị trấn dọc theo tuyến đường thương mại này bị ảnh hưởng. Ngay cả Madâin Sâlih, một trạm thông thương buôn bán chủ yếu trên tuyến đường thương mại Bắc Nam, cũng không tránh khỏi, cuối cùng nó co cụm lại thành một ngôi làng nhỏ. Một nhà du hành Ả Rập vào thế kỷ 10 đã viết rằng, vào thời kì ông trải qua, Madâin Sâlih là một ốc đảo nhỏ với hoạt động chủ yếu tập trung vào các giếng nước và nông nghiệp.
Không thể phủ nhận một sự tương phản rõ rệt giữa hiện tại với thời kỳ hoàng kim của di tích khảo cổ này, thời kì mà các thương gia và những con lạc đà chất đầy hương liệu Ả Rập tụ tấp quanh đường phố trên các tuyến đường về phía Bắc. Tuy nhiên, Qasr al-Farid và những lăng mộ khác được người Nabataean xây dựng vẫn là một minh chứng cho sự vĩ đại mà Madâin Sâlih đã một lần đạt được.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins