Những bài vọng cổ vang bóng: Lệ Thủy – Minh Vương 40 năm cùng Bánh bông lan không ngán
NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương đã hát chung bài vọng cổ rất dễ thương là Bánh bông lan, với lời ca mộc mạc e ấp của một chàng trai thành thị cùng cô gái quê bán bánh.
Chàng trai nhân một chuyến đi về tỉnh lỵ miền Tây Nam bộ, ngồi xe đò ghé trạm, được cô bán bánh bông lan mời mua. Ăn xong thì mê bánh vì quá ngon, rồi mê luôn cô bán bánh hiền lành, chịu thương chịu khó. Thế là cứ đi hoài về tỉnh, cứ mua bánh hoài của cô ấy. Rồi nói xa nói gần, nào muốn học làm bánh, nào muốn ăn bánh cả đời, ý để cô hiểu là mình muốn “rinh” cô về nhà. Cô gái tinh ý và cũng hơi lém lỉnh, hễ anh chàng nói vô là cô ta nói dạt ra, nào là để em giới thiệu nhỏ bạn, nhỏ em gái, nhỏ cháu… Cuối cùng tức quá, anh chàng hạ giọng nói luôn một hơi là “tui… tui nhớ cô Hai”. Bản nhạc dứt, không biết cô nàng có nhận lời tỏ tình của anh chàng hay không, nhưng chính chỗ mập mờ đó mà khán giả tha hồ tưởng tượng về một tình yêu mới chớm. Hy vọng là cô nhận lời. Bởi anh chàng tội nghiệp quá đi, chân thành quá đi. Bài hát chỉ có vậy mà hớp hồn người nghe mấy chục năm trời.
Bài ca “lời lẽ quê mùa gần chết”
Nghệ sĩ Lệ Thủy kể: “Hồi tôi hát bài đó thu đĩa trong hãng đĩa VN thì tôi chừng 25 – 26 tuổi thôi. Tác giả Loan Thảo đưa cho tôi bài hát, tôi đã ngoảnh mặt đi, vì tôi ghét ảnh quá trời. Tôi nói với ảnh, sao mấy nghệ sĩ khác được hát những bài có lời ca sang trọng, còn tôi thì anh toàn viết cho mấy bài lời lẽ quê mùa gần chết, như Lý con sáo, Cây trúc xinh, Lý chim quyên… Tôi không ca nữa đâu. Loan Thảo cười: “Em tin anh đi. Anh viết cho em mấy bài này em ca sẽ “để đời” luôn đó. Giọng của em mộc mạc, em nên ca những bài cũng dễ thương mộc mạc như vậy”. Tôi thấy ảnh khuyên nên chịu ca. Ai ngờ đúng như ảnh nói, bài hát đã theo tôi suốt 40 năm, đi đâu, hát cái gì rồi khán giả cũng yêu cầu tôi và anh Minh Vương trở lại hát Bánh bông lan”.
Hầu như khán giả mê cải lương đều thuộc bài đó. Trên sân khấu Lệ Thủy hát thì ở dưới khán phòng khán giả cũng nhép miệng hát theo. Thật vui. Mới đây Lệ Thủy đi hát ở Giồng Riềng (Kiên Giang) trong một chương trình dành cho nông dân, có một ông chủ nuôi tôm đã leo lên sân khấu song ca với Lệ Thủy bài Bánh bông lan, vì hôm đó không có Minh Vương. Mà ông ta có giọng ca y hệt Minh Vương, khiến Lệ Thủy ngạc nhiên quá trời, và cả khán phòng vỗ tay như sấm.
Nhắc tuồng bằng… gò má!
Hát bài này mấy chục năm dĩ nhiên là Lệ Thủy và Minh Vương thuộc như cháo, nhưng cũng có mấy lần nhầm lẫn một tí. Bởi bài hát có hai lời ca na ná nhau, rất dễ lộn. Lời trước là: “Bông lan cánh trắng nhụy vàng. Qua thương cô nàng khéo nướng bánh bông lan. Xe đò lục tỉnh thênh thang. Quen hơi, nhớ tiếng quá giang tìm dìa. Quá giang tìm dìa…”. Còn lời sau thì: “Bông lan má ấp miệng kề. Thương anh bởi câu hò lẫn tiếng hát đưa duyên. Con đò Vàm Cỏ lênh đênh. Quen môi, bén miếng bước lên tìm mình. Bước lên tìm mình…”. Có lần nghệ sĩ Minh Vương hát đảo ngược lại, cho nên sau này Lệ Thủy thường “ra hiệu” cho ông bằng cách kín đáo chỉ vô gò má mình, nghĩa là hát lời sau, còn nếu không dĩ nhiên hiểu là hát lời trước.
Thông cảm cho Minh Vương vì giai đoạn ông bị suy thận sức khỏe xuống dốc thê thảm, nhưng vì nể tình khán giả mà ông đi hát, nên có khi tâm trí bị mệt mỏi bất thường. Sau này được thay thận, ông đã “ngon lành” hơn. Nhưng Lệ Thủy cẩn thận, cứ ra ám hiệu cho ông. Ngón tay bà nghiêng nghiêng trên má cứ như làm duyên, nhưng kỳ thực là đang “ném phao” cho Minh Vương, ai mà biết được. Bà cười: “Nghĩ cũng vui chứ bộ. Tôi với anh Minh Vương lẫn khán giả ăn bánh bông lan mấy chục năm mà hổng ngán, càng ăn càng thấy ngọt”.
Còn vui nữa là có lần Lệ Thủy về Cần Thơ hát, chiều bà ra chợ mua bánh bông lan, thì cô bán hàng reo lên: “Ủa, chị! Trời ơi, má em thích chị dữ lắm nghen! Chị ăn bánh bông lan hả? Thôi chị lấy ăn đi, em hổng lấy tiền đâu!”. Lệ Thủy từ chối mãi không được đành lấy vài cái, rồi nói: “Thôi, nhiêu đây là tình cảm rồi. Còn lại là tôi mua, em không lấy tiền là tôi không trở lại nữa à!”. Cô bán bánh đành chịu. Và mấy lần nữa, Lệ Thủy cứ mua bánh bông lan là được khán giả yêu mến trao tặng, đúng như cái hồn của bài vọng cổ mà bà đã hát gần nửa thế kỷ.
Hoàng Kim |
Theo Thanh Niên