“Mặt trái” của việc sở hữu trí thông minh hơn người
Phần lớn hệ thống giáo dục hiện nay đều hướng đến mục đích nâng cao khả năng nhận thức của học sinh thông qua các bài kiểm tra IQ. Phải chăng những học sinh có IQ càng cao thì tương lai sau này sẽ càng được đảm bảo? Một nghiên cứu đã đưa ra câu trả lời là: Không.
Thông minh không đồng nghĩa với giàu có, nổi tiếng…
Vào năm 1926, tại các trường nổi tiếng nhất ở California, nhà tâm lý học Lewis Terman đã chọn ra 1.500 học sinh có chỉ số IQ từ 140 trở lên, trong đó có 80 cá nhân sở hữu IQ trên 170. Những học sinh này được gộp thành một nhóm. Terman và các đồng nghiệp sẽ theo dõi về những thăng trầm mà họ trải qua trong suốt cuộc đời sau này.
Đúng theo suy nghĩ của số đông, nhiều người trong nhóm đã đạt được sự giàu có và nổi tiếng. Đáng chú ý nhất phải kể đến Jess Oppenheimer – tác giả của chương trình truyền hình “I Love Lucy” nổi danh thập niên 1950. Vào thời điểm series phim này được công chiếu, mức lương trung bình của tác giả cao gấp đôi so với những người công chức bình thường.
Song không phải tất cả học sinh trong nhóm nghiên cứu đều đáp ứng sự kỳ vọng của Terman. Nhiều người thông minh khác chỉ theo đuổi các ngành nghề “khiêm tốn” như cảnh sát, thủy thủ, hay nhân viên đánh máy. Vì điều này, Terman đã kết luận rằng, trí tuệ và thành tích đạt được không hề có sự tương quan nào với nhau như mọi người thường nghĩ.
Thông minh cũng không song hành cùng hạnh phúc…
Chưa hết, những người có IQ cao trong nhóm của Terman cũng không cảm thấy cuộc sống cá nhân hạnh phúc hơn những người bình thường. Tỷ lệ nghiện rượu, ly dị, hay tự tử ở họ là tương đương với mức trung bình của xã hội.
Đặc biệt, khi những người được nghiên cứu đã trở nên già cả thì điều này càng được minh chứng rõ ràng. Nhiều người trong số họ không cảm thấy hài lòng với cuộc sống vì cho rằng những dự định tuổi trẻ đã không được hoàn thành.
Bạn sẽ có nhiều gánh nặng hơn
Dĩ nhiên không phải tất cả những người có chỉ số IQ cao đều là những thiên tài bất hạnh. Nhưng điều khó hiểu là tại sao những người thông minh lại không được sở hữu những lợi ích vượt trội từ trí thông minh của bản thân. Theo giới nghiên cứu, chính tài năng và sự uyên bác của họ lại như một thứ xiềng xích trói buộc.
Thật vậy, trong thập niên 1990, những người còn sống trong nghiên cứu của Terman được yêu cầu nhìn lại các sự kiện diễn ra trong 80 năm cuộc đời.
Thay vì tự hào với những thành công đạt được, nhiều người lại cho rằng họ đã bị cản trở để có thể sống theo kỳ vọng của bản thân lúc trẻ. Gánh nặng vô hình của những người thông minh là họ phải sống theo sự mong đợi của người xung quanh, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội.
Khiến bạn lo lắng hơn
Nhiều người cho rằng, những người càng thông minh lại càng cảm thấy khổ đau khi nhìn thấu được mặt trái và bất hạnh trong cuộc sống con người. Phải chăng đây là sự thật?
Giáo sư Alexander Penney thuộc ĐH MacEwan, Canada đã phỏng vấn sinh viên trong trường về các chủ đề khác nhau. Ông phát hiện ra rằng, những người có chỉ số IQ cao thực sự cảm thấy lo lắng hơn trong suốt một ngày.
Theo Penney, họ không phải lo lắng sâu xa hơn, mà thực tế thường lo lắng về nhiều thứ hơn. Khi có điều gì tiêu cực xảy đến, người thông minh sẽ nghĩ về chúng nhiều hơn. Sinh viên có IQ càng cao thì càng có khả năng sẽ suy xét nhiều lần về một vấn đề, lỗi lầm đơn giản.
Nghiên cứu sâu hơn, Penney phát hiện rằng sự lo lắng ở những người có trí thông minh về ngôn ngữ thường lớn hơn mọi người. Điều này được thể hiện khi so sánh những người có điểm IQ cao trong các trò chơi chữ với những người có IQ cao trong các câu đố về không gian. Kết quả cho thấy, những người có tài hùng biện thường nghiền ngẫm về điều mình đã nói nhiều hơn so với người khác và đó là lý do khiến họ luôn lo âu và căng thẳng.
… và cuối cùng, người thông minh thường có “điểm mù” trong nhận thức
Tác hại cuối cùng không phải ai cũng biết, đó là thông minh quá mức khiến con người đôi khi mất đi “trí khôn”. Giới khoa học gọi đó là hiện tượng “điểm mù nhận thức”.
Giáo sư Keith Stanovich thuộc ĐH Toronto đã dành nửa thập kỷ để nghiên cứu về vấn đề này. Ông kết luận rằng, mỗi người chúng ta đều có bản năng “thiên vị cái tôi”, tức là có xu hướng tiếp nhận chọn lọc những thông tin giúp củng cố suy nghĩ vốn có của bản thân. Trong khi đó, cách tiếp cận sáng suốt là phải gạt qua một bên những giả định ban đầu của bản thân trong việc lập luận một vấn đề.
Cụ thể, những người thông minh ít có khả năng nhìn thấy những sai sót của bản thân, trong khi có thể dễ dàng phê bình nhược điểm của người khác. Người thông minh cũng có xu hướng rơi vào suy nghĩ của một “con bạc” với ý tưởng rằng nếu ném một đồng xu ra mặt sấp 10 lần, thì đến lần thứ 11 chúng sẽ phải ra ngửa.
Đây là niềm tin sai lầm kiểu “thành công rồi sẽ đến sau một loạt thất bại”. Và hệ quả tất yếu là đôi khi họ sẽ đưa ra những quyết định hơi ngu ngốc và tồi tệ.
Theo BBC