Thế giới đối mặt với cơn khủng hoảng việc làm mới
Sẽ phải mất ít nhất 5 năm tình hình việc làm tại các nước tiên tiến mới có thể được khôi phục lại mức trước khủng hoảng, ILO nhận định.
Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng có tới trong số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát, có tới 45 nước có nguy cơ xảy ra bất ổn xã hội tăng cao do khủng hoảng việc làm.
Theo báo cáo mới nhất của ILO, phục hồi kinh tế toàn cầu chậm đã tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động.ILO nhận định để trở lại mức trước khủng hoảng, trong 2 năm tới, thị trường lao động cần phải có thêm khoảng 80 triệu việc làm mới. Nhưng với tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, sẽ chỉ một nửa số việc làm này được tạo ra.
ILO cũng tiến hành khảo sát mức độ bất mãn về tình trạng thiếu việc làm và sự bất bình về việc gánh nặng khủng hoảng không được chia sẻ một cách công bằng của cư dân toàn thế giới. Kết quả cho thấy các nước phải đối mặt với nguy cơ bất ổn cao nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Ả Rập.
Còn các cơ quan nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng trong Hội nghị thượng đỉnh Cannes G20 sẽ được tổ chức tại Cannes (Pháp) tới, các nhà lãnh đạo của G20 cần phải đưa ra được những quyết định cứng rắn.
OECD cho rằng, kế hoạch giải cứu của các nhà lãnh đạo EU hôm 26/10 vừa qua là một bước khởi đầu quan trọng nhưng việc thực hiện các biện pháp này cần phải diễn ra kịp thời và hiệu quả.
Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ sụt giảm nghiêm trọng và cảnh báo trong đó một số nước còn có nguy cơ tăng trưởng âm.
Theo dự báo của OECD, tăng trưởng tại Eurozone sẽ chỉ đạt 1,6% trong năm 2011, và giảm xuống còn 0,3$ trong năm tới. Trong khi dự báo trước đó của tổ chức này cho khu vực này là 2% cho cả 2011 và 2012.
OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống còn 1,7% trong năm 2011 và 1,8% cho năm 2012. Trong khi đó, dự báo trước đó lần lượt là 2,6% và 3,1%.
Tổ chức này cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 cần phải hành động ngay lập tức, trong đó có việc hạ lãi suất cơ bản.
“Sự suy yếu kinh tế hiện nay một phần là do sự mất niềm tin vào khả năng ứng phó kịp thời của các nhà hoạch định chính sách”, OECD nhận định, “do đó, rất cần có những hành động dứt khoát để khôi phục niềm tin và các chính sách phù hợp để ổn định tình hình tài chính trong dài hạn”.
Ngọc Trang
Theo BBC