Thông điệp khó quên từ những người sống sót trong thảm sát Holocaust
Ngày tưởng niệm Đại thảm sát Holocaust bắt đầu từ đêm Thứ Tư (15/4), thời điểm mọi người trên thế giới tưởng niệm hàng triệu nạn nhân trong chiến dịch diệt chủng của Đức Quốc xã vào Thế Chiến II, cuộc diệt chủng này đã sát hại 2/3 số người Do Thái ở châu Âu.
Sáu triệu người Do Thái đã bị giết hại trong cuộc thảm sát Holocaust, cùng với hàng triệu người Roma, người Xla-vơ, người bất đồng chính kiến, những người khuyết tật và người đồng tính. Được biết đến ở Israel với tên gọi Yom HaShoah, ngày tưởng niệm này đã được Quốc hội Israel phê duyệt vào năm 1951, trùng với ngày giải phóng trại tập trung ở Tây Âu và cuộc nổi dậy của Người Do Thái ở Warsaw, cuộc nổi dậy lớn nhất của người Do Thái chống lại Đức Quốc xã trong chiến tranh.
Dịp trang trọng này được đánh dấu bằng những nghi lễ để truyền ký ức cho những người sống sót và thế hệ con cháu mai sau không được quên đi tội ác này.
Như Sử gia người Do Thái Ben-Zion Dinur từng nói: “Nếu chúng muốn mở một con đường cho tương lai, thì trước nhất chúng không được quên“.
Trong dịp lễ trang trọng đáng nhớ này, 11 câu trích dẫn của những người sống sót, nhà văn và các nhà lãnh đạo để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc tàn sát, có lẽ sẽ là điều khiến bạn không bao giờ quên:
“Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, tôi thề sẽ không bao giờ im lặng khi thấy con người chịu đựng khổ đau và nhục nhã. Chúng ta phải lựa chọn đứng về một phía. Trung lập sẽ là giúp đỡ cho kẻ ác, chứ không bao giờ có ích cho nạn nhân. Sự im lặng sẽ khuyến khích kẻ hành ác, và đau khổ sẽ không chấm dứt”, Elie Wiesel.
“Sáu triệu con người ấy sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Chúng ta là cặp mắt của họ để cầu nguyện. Chúng ta là giọng nói của họ để khóc than. Những cảnh tượng đáng sợ chảy từ đôi mắt chết của họ để chúng ta được mở mắt. Và những cảnh tượng ấy sẽ được khắc ghi chính xác như nhưng gì từng xảy ra”, Shimon Peres.
“Trốn thoát không phải là mục tiêu của chúng tôi, vì nó không thực tế. Cái chúng tôi muốn là tồn tại, là kéo dài thời gian sinh tồn để nói với thế giới những gì đã xảy ra ở Buchenwald”, Jack Werber.
“Chúng tôi phải lắng nghe: Những gì vượt khỏi trải nghiệm cá nhân của chúng tôi, chúng tôi đã chứng kiến một sự kiện hoàn toàn không mong đợi, hoàn toàn bất ngờ, không ai lường trước được. Nó đã xảy ra, do đó nó có thể xảy ra một lần nữa, đây là cốt lõi cho những gì chúng tôi có thể nói. Nó có thể xảy ra, và nó có thể xảy ra ở khắp mọi nơi”, Primo Levi.
“Tiểu thuyết không thể đọc lên những con số thống kê, nhưng nó có thể là bằng chứng, là ký ức. Một người kể chuyện cố gắng để kể câu chuyện về đời người, có thể làm cho một thiên hà tránh khỏi sự hỗn loạn, có thể chỉ ra thực tế rằng một số người đã sống sót cho dù nhiều người đã chết. Và có thể nhắc nhở chúng ta rằng én vẫn hát quanh những ống khói”, Jane Yolen.
“Bạn không phải là một nạn nhân, không phải là một thủ phạm, nhưng trên hết, bạn không phải là một người ngoài cuộc”, Yehuda Bauer.
“Các quốc gia có thể được lưu lại hay không tùy vào sự suy nghĩ sau khi hành động, hay sự cân nhắc về quan hệ vốn lãi. Nếu ngọn lửa đạo đức không cháy trong mỗi chúng ta, bài học của Holocaust sẽ không bao giờ được rút ra”, Reuven Rivlin.
“Ngay cả nơi không có thể sống sót, thì người ta phải có ý muốn được sống, để nói chuyện, để làm chứng, và sống để chúng ta có thể cứu ít nhất là những bộ xương, giàn giáo và mẫu hình của nền văn minh. Chúng tôi từng là những nô lệ, bị tước đoạt mọi quyền, nhận đủ mọi sự xúc phạm, chắc chắn bị kết án tử hình, nhưng chúng tôi vẫn có một sức mạnh, và chúng tôi đã bảo vệ nó với tất cả sức mạnh cho đến giây phút cuối cùng. đó là quyền từ chối đồng ý của chúng tôi”, Primo Levi.
“Người sống sót là một đặc ân đi kèm với nghĩa vụ. Tôi luôn luôn tự hỏi tôi có thể làm những gì cho những người đã chết”, Simon Wiesenthal.
“Nghĩa vụ của những người sống sót là làm chứng cho những gì đã xảy ra… Bạn có thể cảnh báo mọi người rằng những điều này có thể xảy ra, những con quỷ có thể được giải thoát. Hận thù phân biệt chủng tộc, bạo lực, sùng bái thần tượng, những thứ đó vẫn đang phát triển mạnh bạo”, Elie Wiesel.
“Tôi không muốn sống trong vô vọng giống như hầu hết mọi người. Tôi muốn trở nên hữu ích hay mang đến niềm vui cho mọi người, ngay cả những người tôi chưa từng gặp. Tôi muốn tiếp tục sống, ngay cả sau khi tôi đã chết!”, Anne Frank
Thanh Phong, dịch từ International Business Times