Tuyển sinh lớp 6: Xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực
Ngày 15/4, Sở GD – ĐT Hà Nội thông báo, ngày 21/4, Hà Nội sẽ công khai về nội dung tuyển sinh lớp 6 của các trường trên toàn thành phố. Dự kiến, tuyển sinh vào lớp 6 thực hiện theo phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực toàn diện của học trò. Đến nay, nhiều trường THCS đã gửi phương án tuyển sinh của trường về Sở.
Trường “top” sẽ đánh giá năng lực Những mong mỏi của người dân trong thời gian vừa qua về phương án tuyển sinh của các trường THCS phần nào được giải đáp trong hai ngày qua. Khi các trường “top” có lượng học sinh đăng ký dự thi đông như: Hà Nội – Amsterdam, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành… công bố thông tin.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cho biết: “Phương án của nhà trường là không thi tuyển mà sẽ tổ chức khảo sát có tính chất trắc nghiệm để kiểm tra nhận thức của các em học sinh về tất cả mọi lĩnh vực, gồm: gia đình, xã hội, nhận biết, áp dụng, IQ… Hệ thống câu hỏi sẽ là tất cả những gì mà ở lứa tuổi các em có thể biết, thậm chí có một số câu hỏi chưa cần học đến lớp 5 vẫn có thể trả lời nếu nhận thức của các em khá tốt”. Cụ thể, mẫu câu hỏi của khảo sát này có thể hình dung đơn giản giống như mẫu và hệ thống câu hỏi ở chương trình “Ai là triệu phú”, ban đầu sẽ là những câu hỏi dễ nhất, sau đó sẽ nâng dần độ khó ở những câu hỏi sau. Nhưng cũng theo PGS Cương, hệ thống câu hỏi cũng sẽ không khó lắm mà phù hợp với chương trình học, lứa tuổi của học sinh. Bên cạnh đó, còn có thêm một số câu hỏi sẵn rồi các học sinh sẽ chỉ trả lời đúng hoặc sai, hoặc một số câu thì nhận thức vấn đề như thế nào thì các em sẽ viết phần trả lời ra phía dưới. Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết, bài test không đo lường khối lượng kiến thức của học sinh tiểu học được nhận mà tập trung vào việc đánh giá năng lực trong quá trình sử dụng kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống để biến thành năng lực của mỗi cá nhân. Bài test này đảm bảo việc phát hiện, đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của người học. “Tất cả các học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đều có đủ điều kiện nộp hồ sơ xin xét tuyển, sau xét tuyển mỗi học sinh đều được phát hiện năng lực thông qua bài test. Bài test này được xây dựng trên cơ sở tôn trọng kiến thức của học sinh tiểu học đã có ở chương trình tiểu học ở chuẩn đầu ra được quy định bởi Bộ GD – ĐT”, bà Oanh cho hay. Theo phương pháp này, mỗi học sinh sẽ phải thể hiện năng lực của mình trên bài test trong vòng 45 phút dưới dạng viết, sẽ phát hiện các mặt trí tuệ năng lực sau: ngôn ngữ, không gian hình ảnh; logic, sáng tạo; cơ thể và tri giác vận động, nội tâm bao gồm cả hành vi và thái độ cá nhân, giao tiếp, âm nhạc”. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết, phương án tuyển sinh lớp 6 của trường được thực hiện theo phương thức: HS thực hiện 60 phút trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Cấu trúc cụ thể: IQ: 60 câu/45 phút; EQ: 30 câu/15 phút. Bên cạnh đó, trường xem thêm kết quả học tập 3 năm cuối tiểu học để xét tuyển học sinh vào lớp 6. Lo lắng về áp lực cao Đón nhận thông tin này, không ít phụ huynh lo lắng. Trong chiều ngày 15/4, một số phụ huynh có con thi vào trường Hà Nội – Amsterdam đã đến tận trường này để mong nhà trường giải đáp những lo lắng về bài thi năng lực mà trường đưa ra. Nội dung mà trường Hà Nội – Amsterdam đưa ra là tập trung phát hiện năng lực theo các dạng thông minh bằng các bài kiểm tra, trong khi đó bài kiểm tra không đo lường khối lượng kiến thức, mà tập trung vào việc đánh giá năng lực sử dụng, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, trong môi trường tự nhiên, xã hội. Bài kiểm tra trong vòng 45 phút, dưới dạng viết. Nội dung test được xây dựng trên cơ sở của lý thuyết đa trí tuệ. Chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Lường trước được những thay đổi này, một năm trở lại đây tôi thường xuyên cho con tham gia các hoạt động kiểm tra IQ, EQ. Nhưng những nội dung mà trường đưa ra khá đa dạng. Liệu với một học sinh tiểu học có đáp ứng nổi những yêu cầu về bài kiểm tra thông minh này hay không. Được biết, có nhiều nội dung khá mới mẻ với các cháu. Chắc chắn việc ôn thi không phải chỉ trong 1 – 2 tháng mà phải là một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ của các con trong việc vận dụng kỹ năng vào cuộc sống. Điều này, sẽ là bất ngờ với nhiều học sinh cũng như phụ huynh”. Giải đáp điều này, bà Lê Thị Oanh, hiệu trưởng trường Hà Nội – Amsterdam nhấn mạnh, những lo lắng đó là không cần thiết. Bài kiểm tra phù hợp với trình độ, năng lực của học sinh tiểu học Việt Nam. Không chỉ riêng phương án của trường Hà Nội – Amsterdam khiến phụ huynh lo lắng, mà những phương án kiểm tra năng lực IQ, EQ của các trường cùng đều là băn khoăn của phụ huynh vì chưa rõ sẽ theo tiêu chí nào. Trước sự phản ánh này, lãnh đạo Sở GD – ĐT cho rằng, việc đánh giá chủ yếu dựa trên những gì trẻ được học, vui chơi ở bậc tiểu học, phụ huynh không nên tự tạo áp lực lên các con và chính mình. Từ nay đến 21/4, Sở GD – ĐT Hà Nội tiếp tục lắng nghe và tiếp nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia, giáo viên để hoàn thiện phương án tuyển sinh lớp 6 thay thế cho phương pháp thi tuyển trước đây. Lê Vân |
Theo Báo Tin tức