Bài học về cách lãnh đạo qua câu chuyện những con dê
Các tổ chức ngày nay hoạt động trong một thế giới bất ổn và thay đổi nhanh chóng. Những thách thức mới và nặng nề mà các nhà quản lý cần phải giải quyết bao giờ cũng thường trực và biến hóa khôn lường. Nhưng một điều tốt lành là nguồn trí tuệ tuyệt vời và hết sức phong phú của người xưa luôn hiện diện để chúng ta biết cúi mình học hỏi.
Ví như chương đầu tiên trong “Luận ngữ” của Khổng Tử, ông đưa ra lời khuyên đúng đắn về việc học tập, và câu thứ năm nói đến quản trị.
Khổng Tử, người sống vào khoảng 2.500 năm trước đây, nói: “Để cai quản một đất nước rộng lớn, phải xử lý mọi việc thận trọng và nghiêm túc, luôn luôn chân thành, trung thực và giữ chữ tín”.
“Đạo thiên thừa chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi, ái nhân, sử dân dĩ thời”, tức lãnh đạo quốc gia có nghìn cỗ xe, phải giữ điều tín mọi việc, tiết kiệm chi tiêu, thương dân như con, sử dụng sức dân phải sắp xếp thời gian phù hợp.
Ý cuối trong câu trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Hoa cổ đại là một xã hội nông nghiệp. Nhà hiền triết đã tư vấn cho quân vương biết cách canh đúng thời điểm theo lịch canh tác để bố trí người cho các dự án công trình chung. Điều này giúp tránh gây khó khăn vào thời điểm mọi người bận rộn việc đồng áng và hoạt động tăng gia sản xuất.
Một nguồn trí tuệ Trung Hoa cổ xưa khác có thể dùng trong lãnh đạo và quản lý là tác phẩm kinh điển “Tôn Tử Binh Pháp” của chiến lược gia lỗi lạc Tôn Tử, người cùng thời với Khổng Tử. Tôn Tử nói rằng, trong chiến tranh, “bách chiến bách thắng chưa phải là cách sáng suốt. Không cần đánh mà kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất”.
Dưới đây là ba câu chuyện cổ hàm chứa trí tuệ và sự uyên thâm của người xưa, có thể dùng làm kim chỉ nam cho các nhà quản lý, lãnh đạo mọi thời.
Nhà vua lắng nghe lời tâm phúc
Câu chuyện đầu tiên nói về một thành ngữ xuất phát từ bản tấu trình của vị đại thần lên hoàng đế.
Khoảng 1.500 năm trước, triều đại nhà Tùy (581-618 SCN) do Tùy Văn Đế sáng lập, khi ông thống nhất Trung Hoa lần đầu tiên sau hơn 100 năm phân chia Bắc-Nam.
Phò tá vua Tùy là các quan viên rất mực trung thành. Một trong số đó là Dương Thượng Hi (sống vào khoảng 533 – 590 SCN).
Dương hết sức lưu tâm đến một số khó khăn mà triều đình đang phải đối mặt, như có quá nhiều châu huyện và quan lại cấp châu huyện, do phân chia khu vực hành chính để lại từ triều đại trước. Vì vậy, hầu hết các quan viên chỉ phụ trách công việc trong phạm vi nhỏ, hoặc không có thực quyền nên thành ra vô dụng.
Tình trạng này không chỉ tạo gánh nặng cho ngân khố triều đình, mà còn là trở ngại cho việc thực thi công việc. Dương ngày đêm lo lắng, thế nên ông bèn thảo một bản tấu trình dâng lên vua.
Dương viết: “Hiện này có quá nhiều châu huyện và quan lại, như thể chỉ có 10 con dê mà có đến 9 người chăn. Điều này khiến triều đình chịu nhiều phí tổn và thời gian thực thi công việc trì trệ”.
“Việc giảm số quan viên châu huyện là sự việc hệ trọng của triều đình. Thần xin đề xuất tổ chức bố trí cơ quan hành chính hợp lý, và cử quan viên có năng lực tới những nơi thực sự cần. Những ai bị cắt khỏi vị trí đang trông coi, sẽ được bổ nhiệm công việc khác”.
“Qua đó có thể giảm đáng kể phí tổn cho triều đình, và việc trị quốc theo đó mà hiệu quả hơn”.
Nghe qua bản tấu trình của Dương, Tùy Văn Đế nhận ra lời tâm huyết của vị đại thần, ông ra chiếu chỉ thực hiện một loạt những cải cách, việc quản lý vì thế mà hanh thông.
Cũng từ điển cố này mà có câu thành ngữ ‘Thập dương cửu mục’, tức là dê thì có 10 mà người chăn lại đến 9.
Câu chuyện theo đó mà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân quyền rõ ràng, mạch lạc trong hệ thống quản lý hoặc của một tổ chức, để không xảy ra sự nhầm lẫn, tranh chấp vì không ai biết mình phải tuân theo lệnh của ai.
Xác định đường đúng mà đi
Câu chuyện thứ hai là về một thành ngữ lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ về việc tìm kiếm một con dê lạc.
Dương Chu là một triết gia và học giả nổi tiếng thời kỳ Chiến Quốc (475–221TCN). Một ngày nọ, người hàng xóm của Dương Chu bị mất một con dê và đã huy động toàn bộ gia đình của ông cũng như nhiều người khác trong làng đi tìm.
Ông bèn đến gặp Dương Chu cậy nhờ, Dương Chu cho toàn bộ học trò và người hầu của mình đi tìm giúp. Khi đêm đến và mọi người quay về, Dương Chu hỏi: “Đã tìm thấy con dê chưa?”
Một người hầu của Dương Chu đáp lời: “Có nhiều đường chia làm hai hướng và mỗi nhánh đường lại rẽ làm hai. Con không biết phải đi theo hướng nào nên con đã bỏ cuộc”. Những người khác quay về cũng với lý do như vậy.
Dương Chu bỗng trở trầm tư và im lặng một hồi lâu, trông có vẻ rất nghiêm nghị, khiến các học trò bối rối và không hiểu điều gì khiến thầy suy tư như vậy.
Sau khi suy nghĩ hồi lâu, ông mới giảng ra đạo lý cho học trò: “Khi có quá nhiều đường rẽ, các con không những sẽ không thể tìm được con dê bị mất mà còn có thể dễ dàng lạc lối.
Tương tự như vậy, khi một người học trò có quá nhiều điều khiến bản thân bị phân tâm, anh ta có thể dễ dàng lãng phí thời gian và công sức của mình.
Nguồn tri thức chân chính chỉ có một, nhưng con đường đến chân lý thì muôn ngã. Chỉ còn cách kiên định bước đi theo con đường chính, ta mới đến được chân lý tối hậu, do đó mà tránh bị lạc lối.
Nếu các con không tìm được cho mình một chí hướng đúng đắn, sau này các con sẽ chẳng thành tựu nên điều gì, giống như những người đã thất bại trong việc tìm dê”.
‘Kỳ lộ vong dương’, nghĩa là “đường rẽ, mất dê’, sau này trở thành một thành ngữ thông dụng.
Vị quan nhanh trí hóa giải xung đột
Câu chuyện thứ ba kể chuyện về một người nông dân cùng ông hàng xóm làm nghề săn bắn, ông này có một đàn chó săn hung dữ nhưng được huấn luyện kém. Lũ chó thường nhảy qua hàng rào và đuổi theo đàn dê của người nông dân. Vị nông phu năm lần bảy lượt nhắc nhở ông hàng xóm để tâm đến đàn cho săn, nhưng người thợ săn thản nhiên làm thinh.
Một ngày nọ, lũ chó lại nhảy qua hàng rào và khiến dê trong đàn một số con bị thương trầm trọng. Người nông dân thấy rằng nhẫn nhịn thời gian qua là quá đủ, nên anh bèn lên trấn để thỉnh ý quan trên.
Vị quan chăm chú lắng nghe người nông dân trình bày, rồi nói: “Ta có thể trừng phạt người thợ săn và buộc anh ta xích những con chó lại hoặc nhốt trong nhà kho. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và thêm một kẻ thù”.
Sau đó, ông hỏi lại: “Vậy anh muốn điều gì hơn, một người bạn hay một kẻ thù?”. Người nông dân trả lời rằng anh thích có một người bạn hơn.
“Vậy thì ta sẽ chỉ cho anh phương cách không những giúp đàn dê an toàn mà người hàng xóm còn trở thành bạn của anh”, vị quan nói.
Sau khi nghe giải pháp của vị quan, người nông dân rất lấy làm ưng thuận. Khi về nhà, anh ta ngay lập tức áp dụng lời chỉ bảo của quan trên.
Anh chọn ba con dê đẹp nhất và đem làm quà cho ba đứa con trai nhỏ của người hàng xóm. Các cậu bé rất vui vẻ hứng thú với việc chơi cùng dê.
Để bảo vệ mấy con dê yêu quý của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một chiếc cũi chắc chắn và đem nhốt lũ chó của mình, từ đó chúng không thể làm phiền đến đàn dê của người nông dân nữa.
Cũng nhờ thế mà người thợ săn thường xuyên chia sẻ với anh nông dân chiến lợi phẩm săn bắn được. Người nông dân đáp lại bằng cách tặng thịt dê và phô mai anh tự làm. Thấm thoắt, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.
Theo cách nói của người Trung Hoa cổ đại, “Cách tốt nhất để lay chuyển và chinh phục nhân tâm chính là lòng tốt và sự từ bi”.
Theo Epoch times, Daikynguyenvn