Sập giàn giáo tại khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà Tĩnh làm 14 người chết
Bộ giàn giáo nặng hàng nghìn tấn đang thi công tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) bất ngờ đổ sập tối Thứ Tư (25/3) khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, nhiều người bị thương… Công việc tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát đã được tiến hành suốt đêm.
Ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vào khoảng 20 giờ tối Thứ Tư (25/3), tại Khu vực dự án Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.
Một số công nhân cho biết, nơi xảy ra vụ tai nạn là giàn giáo của một lò cao đang thi công. Chiều cao của lò cao chừng 30m. Lúc xảy ra tai nạn có khoảng vài chục người thi công. Công tác cứu hộ đang được tiến hành.
Chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm cảnh sát, quân đội, lực lượng tại chỗ để đào bới, tìm kiếm những người còn sống sót. Tại Bệnh viên đa khoa tỉnh, các xe cứu thương vẫn tiếp tục chuyển các nạn nhân cấp cứu.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, hàng chục người nhà nạn nhân và đồng nghiệp những người bị nạn đang tục tập đông nghịt phía bên ngoài. Xe cứu thương đỗ kín ngoài sân bệnh viện.Trời liên tục đổ mưa.
Trao đổi với VnExpress từ công trường, ông Phạm Trần Đệ là Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khi xảy ra tai nạn thì công nhân của nhà thầu Sam Sung đang lắp giàn giáo thi công đúc giếng chìm để làm đê chắn sóng của cảng Sơn Dương.
Đây là giàn giáo đã có sẵn. Lúc các công nhân đang đẩy những cấu kiện đã đúc được ra ngoài, đồng thời đẩy thép vào khuôn để tiếp tục đúc bê tông thì bị sập. Khối bê tông rất lớn, ước lượng rộng khoảng 15m, dài khoảng 20 m và cao khoảng 12-15m.
Khi đó công nhân đang làm việc theo ca, công việc diễn ra liên tục. “Việc đúc bê tông đưa ra biển làm đê chắn sóng tại cảng nước sâu Sơn Dương đã được thực hiện khoảng năm rưỡi. Dự kiến việc thi công kéo dài hơn một năm nữa mới hoàn thành vì công trình đê kéo dài nhiều km”, ông Đệ cho hay.
“Trên công trường có hàng vạn công nhân nên số lượng công nhân lúc gặp nạn chưa thể xác định được chính xác. Các lực lượng chức năng đang tích cực tháo dỡ đống đổ nát để cứu công nhân bị kẹt”, ông Đệ cho hay.
Đến 0 giờ 15 phút, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, có khoảng 20 công nhân được chuyển lên cấp cứu. Hầu hết họ đều bị thương rất nặng và đều là nam giới. Trong đó có 2 trường hợp nguy kịch, số còn lại bị đa chấn thương. Bệnh viện đã huy động 500 cán bộ nhân viên tham gia cấp cứu. Hiện lực lượng công an, cảnh sát cơ động được điều động đến bệnh viện rất đông nhằm đảm bảo an ninh cho công tác cấp cứu.
Trước khu sảnh bệnh viện, 3 xe cấp cứu và một xe công an túc trực. Hàng chục công nhân đội mũ in chữ formosa đứng phía trong sảnh khu vực cấp cứu.
Thông tin từ bệnh viên Đa khoa Kỳ Anh cho biết, danh sách nạn nhân tử vong đã lên tới 14 người, gần 20 người bị thương đã chuyển tuyến lên bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh.
Chân tay còn lấm lem bùn đất và đang nằm chữa trị tại bệnh viện đa khoa Kỳ Anh, ông Hoàng Hữu Thái, người vừa được đưa đến viện cấp cứu cho hay, thời điểm tai nạn xảy ra có khoảng hơn 40 người làm việc trên giàn giáo. “Trước khi bị sập, đã có 1, 2 lần giàn giáo rung lắc. Một số công nhân hoảng hốt nhưng có người trấn an nên mọi người tiếp tục làm việc. Khoảng 20 phút sau lần rung lắc đầu tiên thì giàn giáo bất ngờ đổ ập xuống. Khi đó tôi đã nghĩ mình sẽ chết. Không biết ai đã cứu tôi ra khỏi đống đổ nát đó”, ông Thái kể.
Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn ở Hà Tĩnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Bệnh viện Việt – Đức cử ngay một đoàn bác sĩ với các chuyên gia đầu ngành về chấn thương, hồi sức cấp cứu vào Hà Tĩnh hỗ trợ, đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế tập trung mọi nguồn lực cấp cứu cho các nạn nhân, hạn chế tối đa số người tử vong.
Chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường, ông Đệ nhận định, có thể vẫn còn một vài người mắc kẹt bên trong. Đến 3 giờ sáng Thứ Năm (26/3), khối sắt thép giàn giáo mới tháo dỡ được khoảng 1/3.
Hiện lực lượng tham gia cứu hộ đã lên tới cả nghìn người gồm quân đội, công an, biên phòng, công nhân… với các phương tiện chủ yếu là máy cẩu, máy hàn, máy cắt, xe tải…
Do giàn giáo bị sập giữa công trường, xung quanh là khoảng không rộng lớn nên việc cứu hộ không gặp nhiều khó khăn. Giàn giáo gồm các kết cấu thép nên chỉ phải cắt nhỏ để tháo dỡ ra ngoài. Tuy nhiên, vì sợ vẫn còn công nhân mắc kẹt nên mọi việc được làm rất thận trọng.
“Công tác cứu hộ không có gì khó khăn nhưng đòi hỏi phải có thời gian. Hiện trời đang có mưa nhỏ. Tiết trời khá rét và ướt át”, ông Đệ cho hay.
Ông cũng cho biết hiện UBND tỉnh và cơ quan chức năng đang thành lập hội đồng đánh giá, điều tra nguyên nhân sập giàn giáo.
Theo VNE