“Lén thay cây giữa đêm” và chuyện “lỗi người đánh máy”
Sáng nay, sau rất nhiều sửng sốt, ngạc nhiên trước những diễn biến kịch tính của vụ chặt cây, công chúng lại thêm một lần…bỡ ngỡ trước một thông tin có phần ảo diệu: Cây tự biến hình trong đêm.
Đó là chỉ sau một đêm, người dân xung quanh bỗng thấy có 4 cây vàng tâm xanh tốt mọc lên từ chỗ 4 cây trụi lá “bị nghi là cây mỡ”, trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội đã khẳng định với tờ Dân Việt việc thay cây là chính xác. Tất nhiên, người ta rất dễ tìm ra lý do ổn thỏa: Việc thay cây phải tiến hành ngay trong đêm để không cản trở giao thông. Tuy nhiên, ở thời điểm mà rất nhiều việc diễn ra công khai ban ngày (như đốn cây, họp báo) còn có nhiều chuyện khuất tất, thì việc thay cây giữa đêm, đối với công chúng, không khác gì hành động lén lút. Huống hồ, các chuyên gia vừa vạch mặt “vàng tâm” là cây mỡ. Nhưng, “bổn cũ soạn lại”, một lần nữa cái lỗi lại được đẩy về phía nhà tài trợ: “Cây trồng thay thế đều do các nhà tài trợ lựa chọn mua về.” Cứ theo luận điệu này thì nhà tài trợ mua về cây gì là Cty trồng cây đó, khỏi phải theo đề án, khỏi phải kiểm tra, kiểm soát. Nhà tài trợ siêu quyền lực. Chẳng biết lần này, các nhà tài trợ có “nhảy dựng lên” như lần trước hay không, nhưng chắc chắn một điều: Nhà tài trợ chẳng thể bắt cơ quan chức năng phải thay cây ngay trong đêm. Khi ông Trần Đăng Tuấn gửi thư ngỏ, ông Tuấn bị một vị “khép tội”: “Cố tình theo đuổi” và “không tin” việc làm minh bạch của thành phố. Khi bị dư luận truy hỏi, thì những cây xà cừ 80 năm tuổi, vẫn cường tráng, khỏe mạnh, liền bị “đổ tội” cho già cỗi, sâu mục, cong nghiêng, không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Khi họp báo, những nhà tài trợ vốn chỉ biết móc hầu bao góp tiền cho một thành phố xanh hơn, bị đổ tội “nôn nóng muốn chặt cây”. Khi bị yêu cầu kiểm điểm, một ông Phó Sở bình thản: Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm chưa hẳn là đã có khuyết điểm. Cơ quan nào cũng có một người đánh máy. Vì thế, về mặt lý thuyết, điều ảo diệu nhất mà người ta có thể làm ngay và luôn, là biến nhiều lỗi to đùng thành lỗi của người đánh máy – lỗi của một vài chữ cái. Nhưng rủi thay, những cuộc họp báo và đối thoại công khai, thì các vị không thể cắp theo một em đánh máy. Thế nên, rất nhiều người đã “dính chưởng” nặng khi phát ngôn. Cách rút kinh nghiệm hoàn hảo nhất là khất hẹn. 21 câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo hay cả ngàn câu hỏi của người dân trên các diễn đàn, thì cũng xin khất, trả lời sau. Trả lời bằng văn bản….đánh máy! Nhưng khất nợ câu hỏi không đáng sợ bằng việc…khất hẹn trách nhiệm và khất hẹn vị trí. Sợ nhất là người ký sai thì “nguyễn y vân” còn người đánh máy thì bị giáng làm “phó đánh máy”. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã phát ra một thông điệp quan trọng: Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm từ cấp GĐ Sở ban ngành liên quan. Không được né tránh, bao biện hay xử lý kiểu “hòa cả làng”. Trước đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã đình chỉ và yêu cầu kiểm điểm nghiêm một số cán bộ có trách nhiệm. Tại sao chi đến 35 triệu đồng chi phí chặt hạ một cây? Gỗ đi đâu và được đấu giá thế nào? Tại sao trồng mới cả loại cây không phù hợp với tiêu chuẩn cây xanh đô thị?… Đó là những câu hỏi mà “người đánh máy” không thể gõ nhầm, dù năng lực gõ chữ của họ có kém đến thế nào đi nữa. Khi việc xử lý trách nhiệm được công bố, hy vọng không xuất hiện tên của một “người đánh máy” tội nghiệp nào nữa. |
Theo Sohanews