Lãnh đạo thí nghiệm chống lại Anhxtanh từ chức
Kết cục của việc khẳng định “neutrino chuyển động nhanh hơn ánh sáng” đã đi đến kết luận sớm với thí nghiệm IRACUS mà không cần chờ đợi đến đợt “tổng kiểm tra quốc tế” vào tháng năm. Việc ban lãnh đạo thí nghiệm đã từ chức nói lên tất cả.
/ /
Ông Ereditato nói với phóng viên hãng thông tấn Nga RIA Novosti: “Tôi tự mình xin từ chức và xin không bình luận về những người còn lại”. Về phần mình, ông Iuri Gornuskin người thuộc Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân của LB Nga được cử tham gia vào nhóm thí nghiệm OPERA cho biết ngoài ông Ereditato, hai người cấp phó của ông này cũng xin từ chức. Ông nói thêm, “tuy nhiên đơn từ chức của các ông ấy chưa được chấp nhận”. Ông Ereditato bảo vệ học vị tiến sĩ tại Trường ĐH Neapoli (Italia), làm việc tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Viện nghiên cứu hạt nhân Italia (INFN) và Viện Nago ở Nhật. Ông là giáo sư Trường ĐH Bern (Thụy Sĩ) và từ năm 2008 đến nay là người lãnh đạo thí nghiệm OPERA. Thí nghiệm neutrino OPERA trở thành trung tâm chú ý của giới khoa học và truyền thông vào cuối tháng chín năm ngoái, khi các nhà khoa học trong nhóm đo tốc độ chuyển động của neutrino đã tuyên bố: theo tính toán, chúng đã di chuyển nhanh hơn ánh sáng 60 nanogiây trên quãng đường 730 km từ máy gia tốc SPS đặt tại CERN đến detectơ của họ đặt tại Gran Sasso. Nhưng sau này chính những người tham gia OPERA đã tự mình phát hiện sai lầm kỹ thuật dẫn đến các số liệu sai lầm. Sở dĩ “hiện tượng siêu ánh sáng” xuất hiện do sự tiếp xúc không tốt tại một trong số các khối detectơ. Tháng ba vừa qua các nhà khoa học làm việc trên thí nghiệm IRACUS tiến hành đo mới tốc độ của neutrino và không thấy như khẳng định về “kết quả siêu ánh sáng” trước đây. Ông Gornuskin cho rằng sự từ chức của ông Ereditato là kết quả của một tình huống phức tạp trong nội bộ tập thể khoa học sau khi phát hiện những sai sót kỹ thuật này. Ông nói với hãng RIA Novosti: “Cuối cùng khi thử nghiệm bổ sung, chính nhóm chúng tôi đã nhận ra những nguyên nhân gây ra hiện tượng đã tuyên bố. Rất tiếc là nguyên nhân ấy quá ấu trĩ về mặt kỹ thuật, có thể nói là về phía nhóm nghiên cứu là thiếu chuyên nghiệp khi tuyên bố công khai hiện tượng này mà không chờ những thử nghiệm bổ sung”. Ông lưu ý rằng, những thí nghiệm vật lý hiện đại luôn có sự tham gia của rất nhiều người. Ví dụ trong thí nghiệm OPERA có tới 200 nhà vật lý cùng cộng tác. Điều đó cần được hiểu là sự tham gia của mỗi người sẽ góp phần làm cho nó chính xác và chuyên nghiệp. “Nói tóm lại, vụ tai tiếng đã bùng phát khi phát hiện một nguyên nhân hết sức vớ vẩn. Đó chỉ là sự tiếp xúc không tốt của một đoạn cáp quang. Đương nhiên những thiết bị vật lý hiện đại rất phức tạp, nhưng thái độ tự phản biện các kết quả thu được, tính chuyên nghiệp cao và kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần kết quả thu được sẽ cho phép tránh được những khẳng định sai lầm. Trong trường hợp này, ai đó trong những đồng nghiệp của chúng tôi đã tỏ ra tầm thường, mắc bệnh hiếu danh. Kết quả là một giám đốc thí nghiệm và hai phó của ông đã phải từ chức” – ông nói. Những người tham gia thí nghiệm hy vọng rằng sẽ phục hồi được nhanh nhất thanh danh của mình. Nhà khoa học nói thêm: “Chúng tôi cho rằng để làm được điều đó, phải hết sức cố gắng, nếu không những kết quả khác của chúng tôi đều sẽ bị tiếp nhận một cách hoài nghi”. Tuấn Hà |
Theo VietnamNet