Rùa Hồ Gươm nằm trong 100 loài nguy cấp nhất
Các nhà khoa học tại Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL) vừa công bố danh sách 100 loài động, thực vật và nấm bị đe dọa nhất trên thế giới, trong đó có “cụ rùa” Hồ Gươm.
Trong số này, có loài sao la Pseudoryx nghetinhensis, gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi, rùa Hồ Gươm Rafetus swinhoei, cá vồ cờ Pangasius sanitwongsei (họ cá Tra) và voọc mũi hếch Rhinopithecus avunculus của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, hơn 8.000 nhà khoa học từ Ủy ban bảo tồn các loài của IUCN và ZSL phối hợp nghiên cứu và đưa ra danh sách 100 loài nguy cấp nêu trên. “Tuy nhiên ngày nay, các nhà tài trợ dự án và các chương trình bảo tồn thường đi theo khuynh hướng chỉ bảo vệ ưu tiên môi trường sống và các loài mang lại lợi ích kinh tế thực sự cho con người”, giáo sư Jonathan Baillie, giám đốc bảo tồn ZSL bày tỏ mối lo ngại. “Điều này làm cho vấn đề bảo vệ môi trường và các loài bị đe dọa trên hành tinh ngày càng trở nên khó khăn hơn. Các loài có quyền được tồn tại hay con người có quyền đưa chúng đến bờ tuyệt chủng?”, ông Baillie nói. Báo cáo do IUCN và ZSL biên soạn có tựa đề: “100 loài bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới. Chúng vô giá hay không có giá trị?” vừa được trình bày ngày 11/9 ở Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Hàn Quốc với sự có mặt của các tổ chức phi chính phủ ở khắp nơi trên thế giới. Thông qua báo cáo, hi vọng họ sẽ thúc đẩy việc bảo tồn các loài ít được con người biết đến này. “Tất cả 100 loài được liệt kê ở đây được xem là độc đáo, kỳ lạ và đặc hữu của từng địa phương. Nếu chúng tuyệt chủng, dẫu chúng ta có bao nhiêu tiền cũng không thể giúp chúng hồi sinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta có những hành động bảo tồn kịp thời, thì cuộc chiến sống còn các loài trên vẫn còn có cơ hội tồn tại”, đồng tác giả báo cáo Ellen Butcher, làm việc tại ZSL nhận định. Con người được cho là nguyên nhân làm “dân số” các loài suy giảm, nhưng trong hầu hết các trường hợp, các nhà khoa học tin rằng các loài có thể thoát khỏi nạn tuyệt chủng nếu các nỗ lực bảo tồn được tập trung cao độ. Chính nhờ hành động bảo tồn kịp thời nên đã mang lại một số kết quả khả quan cho một số loài như ngựa Equus ferus và cá voi lưng gù Megaptera novaeangliae. Theo báo cáo, 100 loài nguy cấp trên được lựa chọn từ 48 quốc gia khác nhau. Loài lười lùn 3 ngón Bradypus pygmaeus – có kích thước tương đương một đứa bé mới sinh, là loài lười nhỏ nhất thế giới – nằm trong số các loài đang phải đối mặt với một tương lai ảm đạm. Nó chỉ được tìm thấy duy nhất trên hòn đảo Escudo, nằm cách bờ biển Panama (Trung Mỹ) khoảng 17km. Tương tự, loài sao la Pseudoryx nghetinhensis là một trong những loài động vật có vú bị đe dọa trong khu vực Đông Nam Á. Được gọi là “kỳ lân của châu Á” vì sự hiếm hoi của nó, sao la hiện chỉ còn vài cá thể sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở dãy núi Trường Sơn, dọc biên giới Việt – Lào.
Ngoài sao la, Việt Nam còn có gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi đang bị đe dọa tuyệt chủng, sống tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Theo thông tin trên Guardian, loài chim này hiện bị săn bắn quá mức và mất môi trường sống. Hành động cứu nguy chúng là thực thi pháp luật hiệu quả, phục hồi môi trường sống và thực hiện các chương trình nhân giống sinh sản.
Viễn cảnh cũng không mấy sáng sủa đối với loài rùa Hồ Gươm Rafetus swinhoei. Theo Guardian, hiện chỉ còn 4 cá thể trưởng thành sống tại Hồ Gươm, Đồng Mô (Việt Nam) và sở thú Tô Châu (Trung Quốc). Giáo dục và nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sống và gây nuôi sinh sản là biện pháp có thể cứu nguy loài rùa này. Loài động vật linh trưởng ăn lá cây voọc mũi hếch quý hiếm hiện còn chưa đầy 200 cá thể sống trong các khu rừng đông bắc Việt Nam, chủ yếu là ở khu bảo tồn rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang. Mối đe dọa của chúng là mất môi trường sống và săn bắn. Do đó, chính quyền địa phương cần tăng cường thực thi pháp luật để giảm áp lực săn bắn.
Tại Anh, một khu vực nhỏ của xứ Wales là nơi duy nhất mà con người có thể tìm thấy loài nấm Cryptomyces maximus có màu sắc sặc sỡ. “Nếu chúng ta tin những loài trên là vô giá thì đây cũng là lúc các cộng đồng bảo tồn và chính phủ các nước cần bắt tay vào việc bảo tồn ngay, có như thế thì thế hệ con em chúng ta mới thấy được giá trị của cuộc sống”, giáo sư Jonathan Baillie cho biết thêm. “Tất cả các loài giá trị đối với thiên nhiên, và dĩ nhiên, từ từ con người sẽ thấy được giá trị của chúng. Mặc dù giá trị của một số loài không được nhận ra ngay từ đầu, nhưng trên thực tế, mỗi loài trong tất cả các loài có cách riêng góp phần làm cho hành tinh chúng ta mãi xanh và khỏe”, tiến sĩ Simon Stuart, chủ tịch Ủy ban bảo tồn các loài của IUCN khẳng định. Bạn đọc có thể xem thông tin trên tờ Guardian về danh sách 100 loài nguy cấp nhất do IUCN và ZSL thống kê. Thiên Nhiên |
Theo VietnamNet