Giàu có và Hạnh phúc !
Kể từ khi bắt đầu tu luyện, tôi đã chọn sống một cuộc sống giản dị. Tôi có thể mua xe hơi, nhưng tôi thích sống đơn giản bằng cách đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt. Nếu phải đi đâu đó gấp, tôi chỉ đơn giản là gọi một chiếc tắc-xi. Một cuộc sống giản dị khiến tôi nhẹ nhõm và thoải mái. Sự thỏa mãn trong đời sống vật chất là ngắn ngủi và tạm bợ.
Chính sự phong phú trong đời sống tinh thần và thanh thản trong tâm hồn mới khiến chúng ta vui vẻ mãi mãi. Một đời sống phong phú thực sự bắt nguồn từ một tâm hồn biết cách bằng lòng. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã làm việc rất cật lực để mua sắm những căn hộ xa hoa. Một khi ước nguyện ấy thành hiện thực, mục tiêu tiếp theo của họ là có một chiếc xe hơi hạng sang. Ngay cả khi họ phải vay thế chấp một khoản nợ khổng lồ mà chỉ có thể được hoàn trả trong 30 năm, họ vẫn có nhiều, rất nhiều ham muốn vật chất khác chưa được thỏa mãn. Kết quả việc truy cầu bất tận ấy là họ không ngừng phàn nàn về không có đủ tiền tiêu. Họ đang sống một cuộc sống thật mệt mỏi. Họ có thể đã mắc bẫy của một con người “giàu có”, nhưng họ không hề sống một cuộc sống giàu có chút nào.
Khi đi ngủ vào ban đêm, chúng ta cũng không có thêm khoảng trống nào ngoại trừ kích thước của tấm nệm. Vào mỗi bữa ăn, chúng ta cũng không thể ăn nhiều hơn khẩu phần của một người lớn. Chúng ta cần thêm nhiều nhà cửa và tiền tài để làm gì? Sở hữu nhiều không khiến chúng ta giàu có hơn. Ralph Waldo Emerson, một nhà văn người Mỹ nổi tiếng từng viết: “[…] người ta chỉ nghèo khi họ cảm thấy mình nghèo, và sự nghèo khó nằm trong cảm giác nghèo”. (Từ “Đời sống gia đình” trong “Xã hội và cô đơn” (Society and Solitude)). Chỉ khi chúng ta học cách bằng lòng và trân quý, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự vui vẻ trong nội tâm, đồng thời lánh xa những thất vọng và than phiền.
Có một truyện ngụ ngôn Trung Quốc như sau. Ngày xửa ngày xưa, tại Trung Quốc cổ đại có một lão tiều phu nọ. Một ngày, khi đang uống nước bên bờ suối chảy từ trên núi, ông để ý có cái gì đó tỏa ánh vàng giữa dòng nước suối. Ông bèn hớt nó trên tay, thì thật ngạc nhiên, đó là những hạt cát vàng. Vui mừng với phát hiện của mình, ông trèo lên suối cứ hai tuần một lần để đãi vàng. Nhờ đó, cuộc sống của ông trở nên ngày càng sung túc. Trước tiên, ông giữ kín bí mật này cho riêng mình. Nhưng một ngày nọ, ông đã lỡ nói nó với người con trai. Con trai ông lập tức thúc giục cha mình bẩy những tảng đá ra để khiến nước suối chảy ra nhiều hơn. Anh cho rằng làm như vậy sẽ đãi được nhiều vàng hơn. Tuy nhiên khi họ thực sự bẩy tảng đá ra, nước suối ngày càng lớn nhưng đã không còn vàng trong đó nữa.
Ý nghĩa đạo đức của câu chuyện trên là: Khi một người bị chìm đắm bởi lòng tham, vận may của anh ta sẽ mất đi mãi mãi. Nếu một cá nhân không hài lòng và trân quý những gì mình đang có, anh ta sẽ vắt kiệt toàn bộ cuộc đời mình trong những truy cầu thế tục và không bao giờ trở thành một người giàu có thực sự.
Tác giả: Quán Minh