“Thưa ông Giám đốc Sở, nếu không gọi là “ẩu đả” thì gọi là gì?”
“Khi xem video clip ghi lại hình ảnh “xô xát” thì thấy báo chí đưa tin là trung thực, còn kết luận của UBND huyện Sóc Sơn là thiếu trung thực, bao che và đổ lỗi cho báo chí”- Luật sư Phạm Công Út.
Trước kết luận khác với thông tin phản ánh của báo chí quanh việc có hỗn chiến ở Lễ hội Đền Gióng, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Cựu thẩm phán Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) về vấn đề này.
Thưa ông, mới đây báo chí đưa tin về việc ẩu đả, hỗn chiến tại lễ hội đền Gióng, nhưng Sở VHTT&DL Hà Nội lại kết luận không có ẩu đả, quan điểm của ông như thế nào? Nếu chúng ta chỉ “nghe nói” hay chỉ đọc “báo cáo” của UBND huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội thì cho rằng báo chí đã đưa sự việc đi quá xa. Nhưng khi xem video clip ghi lại hình ảnh “xô xát” thì thấy báo chí đưa tin là trung thực, còn kết luận của UBND huyện Sóc Sơn là thiếu trung thực, bao che và đổ lỗi cho báo chí.
Là người tham gia công tác tố tụng trong nhiều năm, làm công tác nghiên cứu thực hành pháp luật, qua hình ảnh video clip tại Lễ hội đền Gióng, theo ông đây là hành vi gì? Nếu có hậu quả về việc có người bị thương hay bị chết vì xô xát thì tùy theo mức độ tính chất, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người”. Cũng có thể tuy không có hậu quả nhưng cũng có thể truy tố về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Vậy báo chí dùng từ “ẩu đả” hay hỗn chiến với video clip trên có đúng không? Văn phong báo chí sử dụng từ “ẩu đả” hay “hỗn chiến” với video clip trên báo là hoàn toàn chuẩn xác. Vì một bên là lực lượng rất đông mặc đồng phục cổ truyền dùng gậy bổ thẳng vào đám đông người dự lễ hội, chúng ta có thể thấy rõ cả hình ảnh một người bổ gậy từ trên cao xuống đầu người dự lễ hội (nhưng chỉ trúng vai) với những tiếng la gào của phụ nữ trước sự chống trả yếu ớt bằng tay không của những thanh niên dự lễ hội như thế thì kết luận chỉ nêu chung chung là cũng chỉ có “hiện tượng tranh giành, hỗn loạn” nhiều người sẽ cho rằng: Đây là một bản báo cáo sai sự sự thật và thiếu nghiêm túc. Tôi muốn hỏi lại ông Tô Văn Động và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, với video clip này, nếu không gọi là “ẩu đả” thì gọi là gì? Bằng cái nhìn khách quan của pháp luật, nếu dựa vào kết luận của Sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng báo chí đưa tin sai sự thật, ông thấy có gì không ổn? Nếu Sở VHTT&DL Hà Nội chưa xem video clip mà chỉ nghe báo cáo từ UBND huyện Sóc Sơn thì Sở VHTT&DL đã không khách quan nhìn nhận, người dân sẽ cho rằng có dấu hiệu bao che cho sự việc khá nghiêm trọng trong thẩm quyền quản lý nhà nước của mình. Nhưng tôi tin rằng, nếu đã xem lại video clip này thì Sở VHTT&DL Hà Nội cần mạnh dạn thừa nhận trước công luận là mình đã quản lý yếu kém với vai trò trách nhiệm của mình, nhất là phải có lời xin lỗi đến những người bị đánh hôm đó cùng lời cảm ơn tới báo chí vì những thông tin trung thực mà báo chí đã phản ánh.. Ông có đánh giá gì về tính khách quan của bên đưa ra kết luận, nếu là Sở VHTT&DL? (Xin nói rõ hơn, Sở VHTT&DL Hà Nội là đơn vị quản lý nhà nước về lễ hội tại Hà Nội). Nếu đây là bản kết luận của một cơ quan quản lý văn hóa cấp thành phố thì cho thấy, cơ quan ấy đã để cho sự việc “phản văn hóa” của cấp dưới diễn ra lại không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời là điều không thể chấp nhận được. Do đó, video clip mà báo chí đưa tin là một “kết luận” sinh động, khách quan nhất, hoàn toàn phủ nhận bản báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn và kết luận của liên ngành VHTT, Công an và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Xin cảm ơn ông! Hồng Chuyên (thưc hiện) |
Theo Infonet