Nhật Bản sẽ nã pháo vào thiên thạch
Các nhà khoa học Nhật Bản vừa thử nghiệm thành công “pháo không gian”, một thiết bị có khả năng nã đạn vào các thiên thạch để tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ và cách thức sự sống hình thành trên trái đất.
Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, thử nghiệm thành công mở ra khả năng đưa pháo không gian vào vũ trụ để thăm dò thiên thạch mang tên 1999JU3 trong đầu năm tới. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, JAXA sẽ đặt pháo không gian trên tàu vũ trụ Hayabuse-2 để nó tiếp cận 1999JU3 khi nó đi qua khoảng không giữa trái đất và sao Hỏa.
Theo kế hoạch, khi tới đích vào năm 2018, tàu Hayabuse-2 sẽ quan sát toàn bộ bề mặt 1999JU3 trước khi sử dụng hàng loạt dụng cụ viễn thám tối tân để xác định cấu tạo của nó. Sau đó, tàu đổ bộ Mascot và một xe tự hành sẽ đáp xuống bề mặt thiên thạch. Pháo không gian sẽ bắn viên đạn nặng (có khối lượng hơn 1,8 kg) vào bề mặt 1999JU3 để các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về cấu tạo của nó. Người ta chọn 1999JU3 để tiến hành nghiên cứu bởi nó thay đổi rất ít kể từ khi hệ Mặt Trời hình thành. Các nhà khoa học Nhật Bản hy vọng pháo không gian và các thiết bị nghiên cứu sẽ tìm thấy dấu vết nước và vật liệu hữu cơ từ 1993JU3. Những thông tin mà họ thu thập có thể làm sáng tỏ về quá trình hình thành của các tiểu hành tinh cũng như nguồn gốc của sự sống. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, tàu vũ trụ Hayabuse-2 sẽ khởi động các động cơ để quay trở lại trái đất vào cuối thập kỷ này. Đây là dự án sưu tầm vật chất từ các tiểu hành tinh thứ hai của Nhật Bản. Tàu vũ trụ Hayabuse đầu tiên từng thu thập bụi từ một thiên thạch và nó đã quay trở về trái đất vào năm 2010.
Hồng Duy Theo Tri Thức |
Theo Zing