Công nghệ 3D giúp giải mã giọng hót của loài chim
Giọng hót trong trẻo, mượt mà của loài chim được coi là một trong những điều thú vị nhất của tự nhiên và các nhà khoa học tin rằng, họ biết điều gì đã làm nên kỳ quan âm thanh đó.
Các nhà khoa học phát hiện, chim hót là cách tạo ra âm thanh phức tạp nhất, vượt trội hơn tất cả những nhạc cụ có mặt trong một dàn nhạc hợp xướng. Không giống như con người, loài chim có 2 cặp dây thanh quản, cho phép nó tạo ra 2 loại âm thanh khác nhau cùng một lúc, ngay cả khi con chim đang chao liệng trong không trung.
Trong khi con người và các động vật có vú khác tạo ra âm thanh nhờ thanh quản, chim phát triển một cấu trúc độc đáo nằm giữa các nhánh từ khí quản đến phổi, được gọi là Syrinx (ống minh quản của chim). Nhìn bề ngoài, con người không thể quan sát được cách những ống này hoạt động nhưng sử dụng công nghệ hình ảnh 3D tiên tiến, các nhà khoa học đã lập được bản đồ thanh quản của một con chim, giúp họ tìm hiểu vì sao chúng sở hữu giọng hót mượt và và êm ái. Công nghệ chụp cộng hưởng, chụp cắt lớp vi tính và các công nghệ khác được kết hợp cho các nhà khoa học một cái nhìn rõ nét và đáng kinh ngạc về loài chim. Hình ảnh 3D cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra các cơ quan, ống minh quản và các bộ phận khác của con chim khi nó cất lên tiếng hót. Nó cho thấy một cấu trúc hình chữ Y chưa từng được ghi nhận trên xương ức con chim, giúp âm thanh nó tạo ra ổn định và êm ái.
Phát hiện mới được coi là đột phá của các nhà khoa học bởi từ lâu, giọng hót êm ái của loài chim đã thu hút sự tò mò của họ. Chim có khả năng tạo ra những âm ở tốc độ siêu thanh, những nốt cao nốt thấp và thậm chí là 2 âm khác nhau cùng được tạo ra cùng một lúc. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy một số loại cơ khác của chim cũng hoạt động đồng thời trong quá trình hót, giúp khống chế cường độ hoặc mức độ âm thanh thoát ra. Thậm chí, khi chúng đang thực hiện những cú bay liệng phức tạp, giọng hát vẫn được tạo ra mà không mất đi sự thánh thót và mượt mà. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing