Chuyện “đồ lót” của phi hành gia
Với rất nhiều người, việc các phi hành gia trên trạm ISS xử lý quần áo bẩn của họ như thế nào luôn là một bí ẩn thú vị.||
Đã bao giờ bạn tự hỏi, khi phải ở trên môi trường phi trọng lực trong nhiều tháng, quần áo thay ra ở Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ có số phận như thế nào? Chúng sẽ bị bỏ đi, hay được đóng gói để mang trở về trái đất? Nếu được giặt thì câu chuyện giặt quần áo trong vũ trụ sẽ như thế nào? Và với điều kiện khác biệt trên tàu ISS, việc giặt quần áo cũng như cung cấp quần áo mới cho các phi hành gia thực sự chẳng hề dễ dàng. Ít ai biết rằng, các phi hành gia phải mặc một bộ đồ lót tới… cả tuần không thay. Đối với quần áo khoác ngoài, thời gian mặc thậm chí còn lâu hơn thế. Nhằm giúp cho cuộc sống và sinh hoạt cá nhân của các nhà du hành được “vệ sinh” hơn, NASA vừa quyết định phát triển một loại máy giặt có thể hoạt động được ở môi trường phi trọng lực. Để đạt được mục tiêu này, NASA đã đặt hàng hãng nghiên cứu UMPQUA Research thiết kế một mô hình máy giặt tiết kiệm điện và sử dụng lượng nước cực ít. Cụ thể hơn, trong hợp đồng ghi rõ, hệ thống này phải “phù hợp để sử dụng trong bất cứ sứ mệnh vũ trụ kéo dài nào và vận hành hoàn chỉnh trong không gian”. Theo tiết lộ của Space.com, UMPQUA đã đề xuất một loại máy giặt không chỉ sử dụng các luồng khí và hơi nước cực mạnh để tách chất bẩn khỏi quần áo, mà còn huy động cả tia vi sóng để làm sạch và tiệt trùng. Hãng này tuyên bố hệ thống sẽ đảm bảo độ mềm mại cho quần áo nếu so sánh với những công nghệ giặt ít nước hiện hành. “Dù được thiết kế cho môi trường vũ trụ nhưng hệ thống này cũng có thể ứng dụng trong lĩnh vực hàng hải, các chiến dịch quân sự…”, đại diện UMPQUA cho biết. Trọng Cầm |