Nga, Nhật hợp tác nhân bản voi ma mút
Nếu các nhà khoa học Nga và Nhật thành công, chẳng bao lâu nữa sẽ có hàng đoàn voi ma mút đi lang thang như thời tiền sử trên những khoảng rừng rộng lớn ở Siberia.||
Hiện các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu những bước đầu tiên trên chặng đường của mình. Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Sakha-Yakutia của Nga và Đại học Kinki của Nhật Bản ký một thỏa thuận nghiên cứu chung về nhân bản voi ma mút. Đây là nghiên cứu hài cốt của voi ma mút được các thợ săn Nga phát hiện mùa hè năm 2010 trên bờ biển Laptev ở Yakutia. Trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu, các tế bào ma mút được bảo tồn rất tốt. Vật liệu sinh học này sẽ sớm được chuyển giao các chuyên gia Nhật Bản. Tại Nhật Bản, các nhà khoa học sẽ thực hiện các nghiên cứu phân tử di truyền học, vi sinh … Cộng tác viên khoa học Viện Tế bào Lý Sinh học là ông Aleksei Kornaukhov cho biết: “Sự hợp tác giữa các nhà khoa học Nga và Nhật Bản đang rất hứa hẹn. Người Nhật nổi tiếng yêu lao động và có công nghệ cao. Các nhà khoa học Nga có khả năng tạo ra những ý tưởng mới. Không quan trọng là họ thuộc đại học nào: Yakutsk, Moscow hay Viễn Đông. Liên kết nỗ lực của các nhà khoa học Nga và Nhật Bản có thể dẫn đến kết quả đột phá. Tuy nhiên, nhân bản một động vật khổng lồ chẳng phải là công việc dễ dàng”. Các chuyên gia Nga có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật di truyền, đặc biệt là nhân bản sinh vật. Thử nghiệm thành công đầu tiên trên thế giới về nhân bản vô tính động vật có vú đã được các nhà khoa học Viện Tế bào Lý Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga thực hiện dưới sự lãnh đạo của Levon Chailakhyan. Họ nhân bản thành công chuột từ năm 1987, 10 năm trước khi con cừu Dolly nổi tiếng ra đời ở Anh. Về phần mình, các nhà di truyền học từ Đại học Kinki của Nhật Bản có 15 năm nghiên cứu vấn đề nhân bản vô tính động vật thời tiền sử.
Theo RUVR |