7 phút ‘thót tim’ của tàu thám hiểm 2,5 tỷ USD
Khi tàu không gian thám hiểm sao Hỏa Science Laboratory của NASA đổ bộ lên Hành tinh Đỏ vào ngày 5/8 tới đây, mọi thứ phải diễn ra y như kế hoạch tới từng milimet. Bằng không, hàng tỷ USD và hàng ngàn giờ nghiên cứu sẽ trở thành công cốc.
“Nếu như có bất cứ trục trặc nào xảy ra, cuộc chơi sẽ kết thúc”, nhà khoa học Tom Rivellini thừa nhận trong đoạn video vừa được NASA công bố, mô tả quá trình thâm nhập quỹ đạo, giảm độ cao và hạ cánh của tàu thăm dò. Quá trình này chỉ kéo dài 7 phút, nhưng NASA đã gọi đó là “7 phút kinh hoàng”. Sao Hỏa nằm cách quá xa Trái đất nên ekip của NASA sẽ không thể biết được số phận của tàu Science Laboratory sau ít nhất 15 phút, khoảng thời gian cần để tín hiệu của tàu đi xuyên qua không gian về tới Trung tâm điều khiển. Cũng có nghĩa là con tàu trị giá 2,5 tỷ USD này sẽ phải tự xoay xở để tiếp đất một mình.
Với tên gọi Curiosity, robot thăm dò sao Hỏa đã được NASA phóng lên không gian từ ngày 26/11/2011. Nếu hạ cánh thành công lên bề mặt sao Hỏa, Curiosity sẽ tìm kiếm các dấu vết của sự sống trong quá khứ cũng như hiện tại, nghiên cứu khí hậu và địa chất của hành tinh này trong vòng 23 tháng, tức là xấp xỉ một năm của sao Hỏa.
Nhưng trước khi có thể làm nhiệm vụ thám hiểm, nó sẽ phải tiếp đất trước: giảm từ vận tốc 13.000 dặm/giờ xuống 0 dặm đúng tới từng tích tắc, với tư thế hoàn hảo. Để chuẩn bị cho những va đập mạnh khi tiếp đất, các nhà khoa học đã thiết kế Curiosity hàng loạt công nghệ bảo vệ, chống sốc hiện đại nhất. Nó cũng được diễn tập trước với hàng loạt tình huống cực kỳ phức tạp, thậm chí “điên rồ” trong môi trường giả lập.
Công đoạn hạ cánh, theo NASA, bao gồm nhiều nước: đầu tiên, khi xâm nhập khí quyển sao Hỏa, vốn mỏng hơn Trái đất rất nhiều, tàu sẽ phóng ra loại dù siêu thanh lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Chiếc dù này có thể chịu được lực lên tới 65.000 pound và giúp giảm tốc của tàu xuống còn 200 dặm/giờ. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ chậm để có thể hạ cánh. Lúc này, khiên nhiệt và dù sẽ được tách khỏi tàu. Motor rocket sẽ được kích hoạt để dẫn tàu đi chệch hướng và tăng lực cản. Vấn đề là những động cơ rocket này không được bật khi ở quá gần mặt đất. Chúng có thể tạo ra những đám mây bụi khổng lồ làm hỏng thiết bị và máy móc của Curiosity, NASA giải thích. Y Lam |