Mỹ lấy lại được vị thế của mình tại Davos
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2015, Mỹ đã lấy lại được vị thế của mình trong bức tranh kinh tế thế giới, người ta bàn nhiều hơn đến sức mạnh của kinh tế Mỹ.
Mặc dù theo số liệu vừa công bố tại Mỹ, doanh số bán lẻ không như mong đợi, nhưng quý III/2014, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 5%, mức tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Trong hơn 280 phiên họp xung quanh các chủ đề nóng của kinh tế thế giới, chủ đề về các thị trường mới nổi vẫn bàn nhiều hơn về Mỹ, dù nhìn chung Davos 2015 có vẻ ít hứng khởi hơn về triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển.
Trong những quán cà phê, bar và dọc theo hành lang hội nghị, người ta bàn nhiều hơn đến sức mạnh của kinh tế Mỹ. Các công ty chưa có mặt ở Mỹ hoặc chưa chú trọng đến thị trường này đang tìm cách kết nối. Các CEO hàng đầu thế giới tận dụng thời gian có mặt ở Davos để tạo mối quan hệ. Các cuộc trò chuyện thường dẫn đến những vụ thâu tóm sáp nhập. Năm 2014, các công ty nước ngoài đã bỏ ra 259 tỷ USD để thâu tóm các công ty Mỹ, cao gấp đôi năm 2013 và cao nhất kể từ 2007. Năm 2015, con số trên được dự báo sẽ cao hơn nhiều.
Thậm chí, trong mắt Franck Riboud, Chủ tịch hãng sản xuất sữa chua Danone (Pháp), Mỹ chỉ là thị trường mới nổi, bởi mới chỉ 6% các hộ gia đình Mỹ mua sữa chua/tháng. Còn Manuel Falco của Citigroup luôn cho rằng, đối với các công ty lớn, Mỹ là “bến cảng” an toàn và tốt nhất.
Tất nhiên, Davos vẫn sẽ nói về châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, vẫn có các câu chuyện Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hay Ấn Độ ráo riết cải cách để thúc đẩy tăng trưởng. Song, không khí ở Davos sẽ khác hẳn so với năm 2006, khi Ấn Độ thực hiện chiến dịch “India Everywhere” (Ấn Độ ở mọi nơi) hoặc ba năm sau, Tổng thống Nga Putin quảng bá Nga là một ốc đảo có nền kinh tế ổn định trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo Dân Trí