Những bí mật “té ngửa” của triều đại Gaddafi
Nhiều tài liệu và bằng chứng thu được sau khi quân nổi dậy chiếm được thủ đô Tripoli đã làm sáng tỏ không ít những “nghi án” tồn tại trong quan hệ của chính quyền Gaddafi với nước ngoài. Thậm chí, sự thật xung quanh những bí mật được hé lộ trên còn khiến không ít chính khách tại phương Tây phải “té ngửa” vì những nhận định trước đó…
“Cái chết” của con gái nuôi Gaddafi
Ngày 15/4/1986, quân Mỹ theo chỉ thị của Tổng thống Ronald Reagan khi đó đã tổ chức một đợt tấn công, hậu quả của nó cho đến giờ vẫn bị những người có quan điểm chống Mỹ trên toàn cầu gọi đó là “hành động tàn bạo phi nhân tính”. Trong chiến dịch có tên El Dorado Canyon này, bom và tên lửa của Mỹ đã phá hủy khu dinh thự của Muanamar Gaddafi, cướp đi mạng sống của nhiều nạn nhân, trong đó có con con gái nuôi Hanna của Gaddafi, khi đó chưa đầy một tuổi.
Kể từ đó, Gaddafi mỗi khi lên án những hành động vô nhân đạo của Mỹ, đều không quên nhắc tới “mối thù” sát hại con gái của mình. Để bào chữa, về phần mình Washington đã đưa ra ý kiến nghi ngờ về sự tồn tại của bé gái trên, cũng như về khả năng cô bé đã thiệt mạng do trận không kích của Mỹ. Sự thật chỉ được làm sáng tỏ sau khi quân nổi dậy chiếm được khu dinh thực Bab al-Aziziya của Gaddafi. Nhiều tài liệu thu được tại đây cho thấy, cô con gái nuôi Hanna của Gaddafi vẫn sống và khỏe mạnh.
Thủ phạm vụ xả súng tại London
Nước Anh cũng có một nghi án đối với chính quyền Gaddafi. Câu chuyện này bắt đầu từ ngày 17/4/1984, khi những người lưu vong chống đối chế độ Gaddafi đã tổ chức một cuộc biểu tình ngay trước cửa Đại sứ quán Libya tại London. Bất ngờ từ cửa sổ Đại sứ quán, nhiều loạt đạn đã bắn thẳng vào đám người biểu tình khiến 18 người chết và bị thương.
Abdelbaset al-Megrahi (giữa) liệu có phải là vật hy sinh của Gaddafi nhằm xóa bỏ cấm vận? |
Tòa nhà Đại sứ quán sau đó đã bị bao vây chặt với yêu cầu phải giao nộp thủ phạm. Chiến dịch phong tỏa này đã kéo dài trong suốt 11 ngày và chỉ được gỡ bỏ sau khi có phản ứng quyết liệt từ phía Đại tá Gaddafi, người tuyên bố các nhà ngoại giao của ông tại London đang phải chịu đựng “một hành vi khủng bố ghê tởm”, đồng thời đe dọa sẽ chiếm Đại sứ quán Anh tại Tripoli, bắt giữ tất cả các công dân Anh đang có mặt tại Libya. Kết quả là chính quyền Anh phải xóa bỏ lệnh phong tỏa Đại sứ quán, đồng thời thanh minh với công luận rằng, họ không thể xác định được ai là thủ phạm. Sau sự kiện này, London đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tripoli.
Việc chế độ Gaddafi sụp đổ đã giúp cho người Anh xác định được đích danh những kẻ đã tham gia sát hại Yvonne Fletcher. Thủ phạm cụ thể là ba nhân vật từng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau tại Đại sứ quán Libya: Abdulmagid Salah Ameri, Abdulqadir al-Baghdadi và Matouk Mohammed Matouk. Chính phủ Anh đã lập tức tuyên bố, họ sẽ yêu cầu dẫn độ những thủ phạm trên để đem ra xét xử tại một tòa án ở Anh. Trên thực tế, Al-Baghdadi đã thiệt mạng tại Tripoli, sau khi quân nổi dậy tràn vào đây. Hiện người Anh và chính phủ mới tại Libya đang truy nã hai thủ phạm còn lại.
Tổng thống Pháp được… minh oan
Với cá nhân Tổng thống Nicolas Sarkozy, yếu tố quan trọng lại không phải là những gì đã tìm thấy, mà là những gì không tìm thấy tại Tripoli. Sarkozy là một trong những “nhà tổ chức” chính cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya, sau đó là người ủng hộ nhiệt tình cho NTC. Cùng với Thủ tướng David Cameron của Anh, ông Sarkozy cũng tốn rất nhiều nỗ lực và thời gian để thuyết phục Tổng thống Barack Obama rằng, nước Mỹ cần phải tham gia thậm chí đi đầu trong chiến dịch loại bỏ Gaddafi.
Đối với nhiều nhà quan sát, sự tích cực khác thường của Sarkozy trong chiến dịch này được nhìn nhận dưới lăng kính đầy nghi ngờ, đặc biệt nếu tính tới một thực tế cho thấy, mối quan hệ Paris – Tripoli cho tới cách đây không lâu vẫn được đánh giá là nồng ấm nhất. Còn xuất hiện những giả thuyết cho rằng, Sarkozy muốn nhanh chóng xóa bỏ chế độ Gaddafi nhằm mục đích che giấu điều gì đó. Chẳng gì, một trong những quý tử của lãnh đạo Libya trước đây từng công khai tuyên bố rằng, cha của anh ta dường như đã hỗ trợ về tài chính cho Sarkozy cũng như đảng của ông ta.
Tuy nhiên tại dinh thự của Gaddafi, người ta đã không tìm thấy bất cứ một tài liệu hay bằng chứng nào nói về chuyện giúp đỡ này. Cũng có thể mối quan hệ mờ ám trên không hề tồn tại, cũng có thể chính quyền mới tại Tripoli vì trả ơn cho sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Sarkozy nên đã ém nhẹm.
Vô can trong vụ Lockerbie?
Mới nghe thì có vẻ vô lý, nhưng quả thực trong đống giấy tờ được tìm thấy tại khu dinh thự Bab al-Aziziya, người ta đã phát hiện ra một tài liệu giúp gỡ bỏ trách nhiệm của Gaddafi đối với một tội ác tai tiếng nhất mà ông ta đã bị quy kết nhưng cuối cùng lại tự đứng ra thừa nhận. Đó chính là vụ đánh bom chiếc máy bay dân dụng của Mỹ trên bầu trời Lockerbie (Scotland) vào ngày 21/2/1988 làm 270 nạn nhân thiệt mạng. Ban đầu, thủ phạm của tội ác trên được quy kết cho Iran, nhưng sau đó phương Tây lại chuyển sang quy kết cho Libya. Kết quả là Libya đã phải gánh chịu những biện pháp cấm vận kinh tế nghiêm ngặt.
Gaddafi cuối cùng đã thừa nhận trách nhiệm của đất nước mình trong vụ khủng bố trên, chi tiền đền bù cho họ hàng các nạn nhân, đồng thời bàn giao hai công dân của mình được coi là thủ phạm trực tiếp – Abdelbaset Al-Megrahi và Lamin Khalifah Fhimah. Nếu như Fhimah được xử trắng án, thì Al-Megrahi bị phán quyết có tội cùng với bản án chung thân. Nhân vật này mới quay trở về Libya vào năm 2009, sau khi được thả vì những lý do nhân đạo (ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối).
Nhưng sau khi Gaddafi chạy khỏi Tripoli, người ta phát hiện tại trụ sở Cơ quan Tình báo Libya một bức thư của chính al-Megrahi (là cựu nhân viên tình báo Libya) gửi cho Giám đốc cơ quan này là Abdallah el Sinoussi, trong đó chứng minh sự vô tội của mình. Theo các nhà quan sát, bức thư trên có thể coi là một bằng chứng gián tiếp về sự vô can của Gaddafi trong vụ Lockerbie. Thực tế này được các chuyên gia lý giải rằng, Gaddafi vì muốn khôi phục quan hệ bình thường với thế giới đã quyết định “hy sinh” hai công dân của mình, cho dù đã biết họ thực sự vô tội.
Theo Hồng Sơn (PetroTimes)