Lĩnh vực đầu tư cho vay tư nhân ở Trung Quốc đang sụp đổ
Vài tháng gần đây, nhiều chủ sở hữu của các công ty tài chính tư nhân tại Trung Quốc đột nhiên biến mất, để lại những khoản tiền lớn chưa được thanh toán cho các nhà đầu tư.
Hiện tượng này lan rộng ở miền nam và miền tây Trung Quốc cho thấy, hoạt động cho vay phi chính phủ đang sụp đổ.
Vào cuối tháng 10, văn phòng cảnh sát Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, đã nhận được hơn 100 đơn thư từ các nhà đầu tư của Công ty TNHH Đầu tư Shihe khiếu nại về việc không được trả lãi và thu hồi vốn ban đầu.
Theo China Business, ông Trương Siêu, chủ sở hữu của công ty đầu tư này đã biến mất từ tháng trước. Không chỉ trụ sở chính ở Thiểm Tây đóng cửa, mà các công ty chi nhánh trong cả nước ở Thâm Quyến, Lan Châu, Thanh Hải, Tế Nam, Thành Đô, và Hàm Dương cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Cũng theo tờ báo này, khoản tổn thất các nhà đầu tư cá nhân liên quan công ty Shihe dao động từ con số hàng ngàn đến hàng triệu USD. Cảnh sát vẫn đang thống kê số nạn nhân và tổng thiệt hại.
Một số nhà đầu tư tuyên bố đã có được sổ sách kế toán của công ty này từ một nguồn nội bộ của công ty. Theo đó, 1.300 nhà đầu tư với hơn 260 triệu nhân dân tệ (tương đương 42,5 triệu đô la) liên quan.
Cảnh sát hiện đang truy nã ông Trương Siêu. Ông Trương xuất hiện lần cuối vào tháng 09 khi hứa trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho các nhà đầu tư. Ông tuyên bố, công ty đang đặt mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2015.
Ngày 05/11, hàng trăm nạn nhân biểu tình ở phía trước trụ sở chính quyền Thiểm Tây yêu cầu chính quyền bắt giữ ông Trương và hoàn lại tiền cho họ.
Thời báo Epoch Times dẫn lời bà Bà Chiêu, một trong những nạn nhân tham gia biểu tình, có nhà đầu tư đã tự tử trước áp lực tài chính, một nhà đầu tư khác chết vì đau tim khi biết chủ sở hữu công ty này đã bỏ trốn.
“Chúng tôi đã bị phá sản chỉ trong một đêm. Vì vậy, nhiều người không thể nào ngủ được, cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn. Một số tan cửa nát nhà, còn một số người lớn tuổi thì phải nhập viện vì không thể chịu được cú sốc này”, bà Chiêu kể lại.
Công ty Đầu tư Shihe Thiểm Tây có một tỷ nhân dân tệ (tương đương 163 triệu USD) tài sản được đầu tư vào hơn 40 lĩnh vực như: siêu thị, bất động sản, giao hàng nhanh, v.v..
Trước các sự kiện ở Thiểm Tây, từ tháng 7, một số chủ sở hữu của các công ty đầu tư tại tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền tây nam Trung Quốc cũng đã mất tích, để lại các khoản tiền chưa thanh toán cho các nhà đầu tư, tờ China Business đưa tin.
“Gần 100 công ty quản lý tài chính gặp khó khăn, và con số này vẫn đang tăng lên. Hầu hết các công ty tài chính này được thành lập trong ba năm qua, còn thời hạn các dự án đầu tư là khoảng một hoặc hai năm. Do vậy, hạn thanh toán cho các nhà đầu tư sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Nhiều dự án gặp rắc rối về tài chính. Tình trạng này có lẽ sẽ kéo dài đến năm 2015 với 70- 80% công ty gặp khó khăn khi trải qua đợt suy thoái này”, tờ China Business dẫn lời tiết lộ từ ông Dương Tiểu Binh, Tổng giám đốc một công ty tài chính vi mô tại Khu Công nghệ cao Thành Đô ở Tứ Xuyên.
Nhiều công ty tài chính ở Tứ Xuyên đã ngừng đưa ra các dự án đầu tư mới, báo cáo cho biết.
Gần 4000 công ty tài chính mới được thành lập trong nửa cuối năm 2013 ở tỉnh Tứ Xuyên.
Nhiều công ty chào mời với lãi suất cao để thu hút các nhà đầu tư, và phần lớn các khoản đầu tư được đổ vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản suy giảm mạnh mẽ vào năm ngoái đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tài chính, báo cáo cho hay.
Ông Dương nhận định, ước tính có khoảng 80% vốn cho vay tư nhân đã được đầu tư vào bất động sản. Khi ngành bất động sản tăng trưởng chậm lại, các công ty tài chính bắt đầu gặp khó khăn trong việc trả lại lãi suất cao như đã hứa.
Theo Đại Kỷ Nguyên