Biểu tượng chữ Vạn xuất hiện ở Ukraine từ 12.000 năm trước
Từng bị coi là biểu tượng của Đức quốc xã, cơn ác mộng của nhân loại trong Thế chiến 2, song Adolf Hitler không phải là người sáng tạo ra ký tự chữ Vạn. Thực tế cho thấy, biểu tượng này đã xuất hiện phổ biến trong nhiều nền văn minh và ở các châu lục từ rất lâu trước thời phát xít Đức.
Đối với những người theo đạo Hindu và Phật giáo ở Ấn Độ và các nước châu Á khác, chữ Vạn là một biểu tượng quan trọng từ nhiều ngàn năm qua. Và đến nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp biểu tượng ở khắp nơi trên thế giới, như đền thờ, các phương tiện đi lại cho tới trên trang bìa của cuốn sách.
Sự xuất hiện của biểu tượng chữ vạn trong tàn tích của thành Troy cho thấy, biểu tượng này đã tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại cách đây 4.000 năm. Nhiều đồ tạo tác của người Druids và Celts cổ đại cũng phản ánh biểu tượng này. Các bộ tộc Bắc Âu và thậm chí cả Kitô giáo thời đầu đã sử dụng chữ Vạn làm biểu tượng đặc trưng bao gồm các Hiệp sĩ Teutonic, đội quân Đức thời trung cổ, những người đã gia nhập đội quân thập tự chinh của Kitô giáo để phục hồi vùng Đất Thánh.
Nhưng, tại sao biểu tượng này quan trọng đến như vậy, và tại sao Adolf Hitler quyết định sử dụng nó? “Chữ Vạn” là một từ tiếng Phạn (svasktika) có nghĩa là tốt lành, may mắn và hạnh phúc. Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, biểu tượng này còn được gọi với những cái tên khác như “Manji” tại Nhật Bản, “Fylfot” ở Anh, “Hakenkreuz” ở Đức và “Tetraskelion” hoặc “Tetragammadion” ở Hy Lạp.
Vào năm 1979, một học giả tiếng Phạn là P.R. Sarkar giải thích rằng, ý nghĩa sâu xa của từ biểu tượng này là “chiến thắng vĩnh hằng”. Ông cho biết thêm, bất kỳ biểu tượng nào đều có cả hai tầng ý nghĩa tương phản nhau, phụ thuộc vào người dùng nó.
Đối với Ấn Độ giáo, chữ Vạn ở bên cánh tay phải là biểu tượng của Thần Vishnu và mặt trời, trong khi đặt ở bên tay trái là biểu tượng của tử thần Kali và Ma thuật. Ý nghĩa kép của biểu tượng này khá phổ biến trong truyền thống cổ xưa. Ví dụ, như biểu tượng của ngôi sao năm cánh được xem như là tiêu cực khi đầu nhọn hướng xuống.
Hình chữ Vạn lâu đời nhất được tìm thấy trên một bức tượng bằng ngà voi ở Mezine, Ukraine, có niên đại 12.000 năm. Và một trong những nền văn hóa sớm nhất đã sử dụng chữ Vạn là Văn hóa Vinca, nền văn hóa đồ đá mới ở phía Nam châu Âu, khu vực mà bây giờ là Serbia, Croatia, Bosnia và Herzegovina, có lịch sử khoảng 8.000 năm.
Trong Phật giáo, chữ Vạn là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng, dồi dào và vĩnh cửu, đồng thời gắn liền với hình ảnh của Đức Phật. Nó được khắc lên lòng bàn chân và ngực của các tượng Phật. Ngụ ý rằng “Phật ở trong tâm”. Trên các bức tường hầm mộ của Kitô giáo, biểu tượng chữ Vạn xuất hiện bên cạnh dòng chữ “ZOTIKO ZOTIKO” có nghĩa là “cuộc sống vĩnh hằng”. Nó cũng có thể được tìm thấy trên các lỗ cửa sổ của nhà thờ đá bí ẩn Lalibela của Ethiopia và trong các nhà thờ trên khắp thế giới.
Trong thần thoại Bắc Âu, Odin – cha của các vị Thần – được miêu tả thông qua hình ảnh cùng một đĩa quay hay cùng hình chữ Vạn quan sát tất cả các thế giới. Tại Bắc Mỹ, chữ Vạn đã được sử dụng bởi các bộ lạc Navajo. Thời Hy Lạp cổ đại, Pythagoras sử dụng chữ Vạn với tên gọi “Tetraktys”. Đây là một biểu tượng kết nối trời và đất, với cạnh bên phải chỉ lên trời và cạnh bên trái chỉ xuống đất. Người Phoenicia cũng sử dụng chữ Vạn như một biểu tượng của mặt trời và đó là một biểu tượng thiêng liêng được các nữ tu trân quý sử dụng.
Làm thế nào và tại sao rất nhiều quốc gia và các nền văn hóa khác nhau, trải qua nhiều thời đại, lại sử dụng cùng một biểu tượng với ý nghĩa tương đồng? Thật chớ trêu, biểu tượng thiêng liêng dành cho các vị Thần vĩ đại trải qua hàng ngàn năm lại bị con người dùng sai mục đích và trở thành một biểu tượng của lòng thù hận.
An Nhiên – Theo Ancient Origins