Tại sao có người không có vân tay?
Những phát hiện mới của giáo sư Eli Sprecher tới từ ĐH Tel Aviv (Israel) cho thấy có một loại gien quyết định một người có dấu vân tay hay không.
Adermatoglyphia là hiện tượng một số người sinh ra mà không có bất kì vân tay nào trên ngón tay. Hiện tượng hiếm này lần đầu tiên thu hút sự chú ý của cộng đồng y học khi một phụ nữ người Thụy Sĩ đã cố vượt biên vào Mỹ – nơi yêu cầu những người không phải công dân nước này phải lấy dấu vân tay khi nhập cảnh.
Các nhân viên kiểm soát đã rất bối rối khi người phụ nữ nói rằng cô không thể thực hiện theo quy định vì không có dấu vân tay. Cô và 9 thành viên khác trong gia đình cũng không có dấu vân tay vì di truyền.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một phiên bản gien SMARCAD1 đã ảnh hưởng tới sự phát triển dấu vân tay. |
Các nhà khoa học của ĐH Tel Aviv đã so sánh gien của những người gặp hiện tượng hiếm này với gien của những người bình thường để xác định sự biến đổi gien nằm ở đâu. Và họ phát hiện ra một phiên bản gien SMARCAD1 đã ảnh hưởng tới sự phát triển dấu vân tay. Hiện các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu gene này tác động việc hình thành vân tay như thế nào.
Cũng giống như DNA, dấu vân tay là đặc điểm nhận dạng độc nhất của mỗi người và là một công cụ nhận dạng có giá trị đối với tất cả mọi thứ từ phát hiện tội phạm tới du lịch quốc tế. Dấu vân tay được hình thành đầy đủ khi bào thai mới được 24 tuần sau khi thụ tinh và không thay đổi trong suốt cuộc sống của chúng ta. Loại gien này không chỉ quyết định dấu vân tay của một người mà còn khiến người đó giảm lượng mồ hôi. Dấu vân tay bất thường cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo của các rối loạn nghiêm trọng. Ngoài ra, giáo sư Eli Sprecher cho biết không chỉ các ngón tay mới có dấu vân tay, mà lòng bàn tay, ngón chân và lòng bàn chân cũng có những đường lằn được gọi là dermatoglphs.
Theo tài liệu ghi nhận thì chỉ có 4 gia đình trên thế giới gặp phải hiện tượng Adermatoglyphia hiếm này. Năm 1930, gangster khét tiếng John Dilinger đã chịu đau đớn để hủy vân tay bằng axit để thoát tội. Năm 2009, Lin Rong, một người phụ nữ Trung Quốc đã cố nhập cảnh vào Nhật Bản bất hợp pháp bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ (hết 15.000 USD ) để thay đổi dấu vân tay. Cảnh sát Tokyo cho biết Lin Rong bị trục xuất khỏi Nhật Bản trước đó vì ở quá thời hạn cho phép.
Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Human Genetics của Mỹ.
Ngô Nguyễn (Theo Dailymail)