Tổng thống Obama bảo vệ quy chế Ebola mới, tuyên dương người tình nguyện đến Tây Phi
Vào thời điểm y tá thứ hai nhiễm Ebola tại Mỹ đã được bệnh viện Atlanta cho xuất viện, Tổng thống Obama hôm Thứ Ba (28/10) công bố, những chính sách mới vừa được Washington thông qua không nên làm nản lòng người sẵn sàng tham gia ứng phó đại dịch tại Tây Phi.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama lên tiếng kể từ khi các bang trong đó có New York và New Jersey áp dụng chính sách cách ly với bác sĩ và y tá trở về từ 3 quốc gia thuộc tâm dịch. Những quy định trên không nằm trong quy chế liên bang.“Chúng ta không muốn làm lung lay ý chí của những nhân viên y tế xông pha nơi tuyến đầu và ứng phó hiệu quả trước dịch bệnh”, ông Obama nói với báo giới tại Khuôn viên phía nam tòa Bạch Ốc.
Ông cho rằng, những nhân viên y tế tình nguyện tham gia vào các nhóm nhân đạo quốc tế nên được “hoan nghênh, tán dương và hỗ trợ”.
“Và chúng ta có thể đảm bảo những người này ngày trở về sẽ được giám sát một cách cẩn trọng. Nhưng chúng ta cũng muốn thể hiện sự thấu hiểu về sứ mệnh của Chúa mà họ đã đảm nhận tại những vùng đất đó. Và họ làm điều ấy để mọi người được an toàn”, Tổng thống Mỹ phát biểu.
Một số bang đã áp dụng chính sách an toàn riêng, như cách ly bắt buộc đối với bác sĩ và y tá trở về từ 3 quốc gia trong tâm dịch. Các bang này cho rằng, chính sách liên bang không bảo vệ công chúng hữu hiệu. Vài nhà làm luật, đặc biệt những người thuộc Đảng Cộng hòa đã chỉ trích phản ứng của chính quyền ông Obama là vô lý.
Giới chức y tế liên bang và những người khác lại cho rằng, biện pháp khắt khe tại các bang có thể phản tác dụng. Theo họ, đây có thể trở thành rào cản làm nhụt chí những người tình nguyện đến hỗ trợ cuộc chiến chống căn bệnh truyền nhiễm ngay tại ổ dịch Tây Phi.
“Chúng tôi không muốn làm điều gì mà không căn cứ trên khoa học cùng thực tiễn vì nếu không, điều đó có thể cản trở những người sẵn lòng đảm đương nhiệm vụ quan trọng thay cho chúng ta”, ông Obama phát biểu và lưu ý rằng việc chống chọi với dịch bệnh tại Tây Phi sẽ giúp bảo vệ người Mỹ khỏi Ebola.
Người đầu tiên bị cách ly theo chính sách mới của New Jersey là Kaci Hickox, y tá có kết quả âm tính với virus chết người nhưng vẫn bị cô lập vài ngày trong một phòng cách ly đơn giản tại bệnh viện Newark. Cô cho rằng, điều này vi phạm nhân quyền cơ bản của cô.
Một diễn biến khác cho thấy, những lo sợ về sự lây lan của Ebola đã tác động lên cộng đồng dân chúng. Một người cha đã kiện trường tiểu học Connecticut hôm Thứ Ba (28/10) vì con gái của ông bị cấm đoán và phân biệt đối xử xuất phát từ nỗi sợ hãi vô lý liên quan đến dịch bệnh Ebola do cô bé đã dự tiệc cưới tại Nigeria.
Y tá Dallas xuất viện
Tại Atlanta, nữ y tá Amber Vinson 29 tuổi được bệnh viện đại học Emory cho xuất viện sau thông báo cô đã hoàn toàn phục hồi vào Thứ Sáu (24/10). Ông Obama cho biết đã trò chuyện qua điện thoại với Vinson hôm Thứ Ba (28/10).
“Tôi thực sự biết ơn những người đã cứu sống mình”, Vinson vui vẻ nói với phóng viên tại bệnh viện đại học Emory trước khi ôm các bác sĩ, y tá đã chăm sóc cô từ ngày 15/10.
“Dù đây là một ngày đáng mừng và ngập tràn lòng biết ơn, nhưng tôi vẫn muốn nhắc chúng ta không nên lơ là sự quan tâm cho hàng nghìn gia đình vẫn đang oằn mình trước gánh nặng của dịch bệnh nguy hiểm này tại Tây Phi”, Vinson chia sẻ.
Việc các y tá nhiễm bệnh tại Dallas khởi phát vào Tháng Mười đã cho thấy dấu hiệu của sự thiếu chuẩn bị ngay từ đầu của hệ thống y tế công khi xử lý Ebola. Dịch bệnh này đã lấy đi sinh mạng của khoảng 5.000 người tại các quốc gia Tây Phi, chủ yếu là Liberia, Guinea và Sierra Leone, dấy lên nỗi lo sợ dịch bệnh sẽ tràn lan.
Một y tá khác làm việc tại bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Dallas là Nina Phạm, 26 tuổi cũng được công bố thoát khỏi virus này vào Thứ Sáu (24/10). Cô đã rời khỏi bệnh viện điều trị Maryland và gặp mặt Tổng thống Obama.
Vison và Phạm từng chăm sóc bệnh nhân Liberia là Thomas Eric Duncan khi anh được chuyển đến Dallas vào cuối Tháng Chín. Anh là người nhiễm Ebola đầu tiên tại Mỹ và qua đời hôm 8/10.
Quân đội cân nhắc tham gia cách ly
Cùng với những lo ngại xung quanh sự lây lan của virus, Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đang cân nhắc đề xuất từ các tướng lĩnh cấp cao về chương trình giám sát cách ly 21 ngày cho tất cả lính Mỹ tham gia cứu trợ tại Tây Phi trong đợt dịch này.
Diễn biến này theo sau tuyên bố của quân đội hôm Thứ Hai (27/10) về việc bắt đầu hoạt động giám sát các quân nhân trở về từ Tây Phi tại căn cứ ở Vicenza, đông bắc nước Ý, dù họ không có bất kì triệu chứng nhiễm bệnh nào và các bác sĩ đều tin họ không bị phơi nhiễm. Điều này đặt ra vấn đề là liệu tất cả các ban ngành trong quân đội có cần phải thực hiện cách ly hay không.
Thiếu tướng John Kirby là phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết ông Hagel chưa đưa ra quyết định cuối cùng về đề xuất cách ly quân đội trên diện rộng. Đề xuất này yêu cầu thực hiện “chương trình giám sát 21 ngày nghiêm ngặt”. Mức độ khắt khe của động thái mới vượt xa những quy định của liên bang do giới chức y tế dân sự đưa ra.
Quân đội Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, lính của họ không hề tương tác với bệnh nhân Ebola, thay vào đó, họ xây dựng các khu điều trị giúp chính quyền ứng phó với dịch bệnh. Hơn 4.000 quân nhân được triển khai trong sứ mệnh lần này.
Ông Obama nhận định, quân đội Mỹ lại nằm trong “tình thế khác” so với nhân viên y tế. Khi người dân có thể ngại ngần nếu phải tự nguyện cách ly ngày trở về, thì quân đội được lệnh tham gia vào sứ mệnh này và cũng sẽ không có gì nếu họ phải đối mặt với tình huống không thuận tiện như thế.
Tổng thống cũng tìm cách trấn an dân Mỹ về mối hiểm họa từ Ebola. Ông khẳng định, chỉ có hai người duy nhất trên đất Mỹ nhiễm Ebola là y tá Vinson và Phạm.
Bệnh nhân duy nhất nhiễm Ebola hiện đang được điều trị tại Mỹ là bác sĩ New York tên Craig Spencer 33 tuổi, được chuẩn đoán mắc bệnh vào Thứ Năm (23/10). Ông Craig đã làm việc cho tổ chức nhân đạo Hiệp hội Bác sĩ Không biên giới, tham gia điều trị bệnh nhân Ebola tại Guinea.
“Dịch bệnh có thể được kiềm chế và bài trừ. Diễn biến đang khả thi. Nhưng chúng ta vẫn cần thận trọng và lúc nào cũng phải phối hợp tốt với nhau”, ông Obama kết luận.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo Reuters