Bệnh nhân Mỹ và Tây Ban Nha phục hồi, khủng hoảng Ebola vẫn lan rộng
Một phóng viên ảnh Mỹ và nữ Y tá Tây Ban Nha được công nhận đã hồi phục sau khi nhiễm Ebola, trong khi Hoa Kỳ thắt chặt kiểm soát hành khách đến từ các nước Tây Phi đang là tâm điểm của đại dịch.
Ở Tây Phi, Hiệp hội Bác sĩ Không biên giới (MSF) trên tuyến đầu chống chọi với dịch bệnh Ebola cho biết đã cứu sống được bệnh nhân thứ 1.000 khỏi virus chết người này.
Tuy nhiên, câu chuyện về người sống sót xuất hiện trong khi các ca bị lây tiếp tục tăng cao tại Tây Phi, nơi đã có hơn 4.500 người tử vong. Ebola với tỉ lệ tử vong lên tới 70% đã trở thành đợt dịch tồi tệ nhất trong lịch sử.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, số người nhiễm virus có thể lên đến 10.000 tính đến tuần đầu tháng 12.
Căn bệnh với triệu chứng sốt gây xuất huyết, hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa hay thuốc đặc trị được cấp phép sử dụng, đã tàn phá nặng nề Liberia, Sierra Leone và Guinea. Trong khi đó, vài trường hợp nhân viên y tế nhiễm virus bị cách ly tại Mỹ và Tây Ban Nha gây lo ngại về đợt dịch bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm Thứ Ba (21/10), họ sẽ điều tra những khiếu nại cho rằng tổ chức này đã ứng phó chậm chạp để ngăn chặn dịch bệnh, tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là chiến đấu với virus chết người này.
“Chúng tôi tin vào lương tâm đạo đức ngành y khi xác minh làm rõ trách nhiệm trong nhiệm vụ lần này. WHO sẽ thực hiện điều đó, nhưng là sau này. Hiện tại cần tập trung ứng phó dịch bệnh”, đại diện WHO nói với phóng viên tại Geneva.
Các chỉ trích nhắm vào vấn đề tại sao WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ Tháng 8, tám tháng sau thời điểm dịch bệnh khởi phát tại Guinea
Mỹ thắt chặt giám sát hành khách tại sân bay
Sự phục hồi của Ashoka Mukpo, thợ quay phim quốc tịch Mỹ hành nghề tự do, người nhiễm virus tại Liberia, có thể đã phần nào xoa dịu lo ngại tại Hoa Kỳ, tuy nhiên chính quyền vẫn hành động do áp lực từ công chúng trong việc thắt chặt kiểm soát hành khách từ các nước dịch bệnh đang hoành hành.
Việc một người Liberia mắc Ebola đến Dallas, Texas và lây nhiễm cho ít nhất hai nhân viên y tế tại Mỹ trước khi qua đời, đã gia tăng áp lực lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama với yêu cầu phải ban hành lệnh hạn chế bay.
Các biện pháp mới sẽ được thực thi vào Thứ Tư (22/10), trong đó hành khách đến Mỹ từ ba nước Tây Phi có dịch sẽ được tập trung và kiểm tra sức khỏe tại 5 sân bay.
Mỹ không có chuyến bay trực tiếp tới 3 quốc gia ở tâm dịch, nhưng hành khách tại đây có thể quá cảnh thông qua các nước châu Phi và châu Âu.
Tuy nhiên, một số nhà làm luật của Mỹ thuộc cả hai đảng đều cho rằng các biện pháp này vẫn chưa đủ. Họ mong muốn triển khai đình chỉ cấp thị thực cho người từ các quốc gia trong vùng dịch, một số khác thúc giục cần cách ly 21 ngày đối với đối tượng đã tiếp xúc với Ebola.
“Ngăn chặn là biện pháp cốt lõi trong việc chấm dứt tình trạng lây lan của mầm bệnh dễ nhiễm và gây chết người này”, theo nhận định của nhóm gồm 16 nhà làm luật từng hành nghề bác sĩ, y tá trong bức thư đệ trình lên Tổng thống Obama.
Obama cho rằng những thúc giục trên có tính chất “quá khích” và mượn lời một số chuyên gia khi nhận xét lệnh cấm bay có thể gây phản tác dụng.
Hành khách đến từ vùng nhiễm bệnh chỉ cần thay đổi kế hoạch bay là có thể né tránh lệnh rà soát mầm virus, khiến dịch Ebola càng khó đối phó hơn, Tổng thống lập luận.
Ông dự định gặp mặt điều phối viên ứng phó Ebola mới bổ nhiệm là Ron Klain hôm Thứ Tư (22/10).
“Hạnh phúc khi được sống”
Mukpo, nhân viên làm việc cho hãng thông tấn NBC tại Monrovia, Liberia đã nhiễm virus Ebola, được bệnh viện cho về nhà hôm Thứ Tư (22/10).
Trong bài phát biểu, nhân viên người Mỹ 33 tuổi này chia sẻ, anh thấy thật hạnh phúc khi khỏi bệnh.
“Quá nhiều người không có diễm phúc và may mắn như tôi. Tôi thấy hạnh phúc khi được sống trở lại”.
Tám người, trong đó có Mukpo đã được điều trị Ebola tại Mỹ, một trong số này có người đàn ông đến từ Liberia đã qua đời.
Hai y tá bị nhiễm virus khi chăm sóc cho bệnh nhân Liberia trên hiện vẫn đang nằm viện, nhưng theo Viện Y tế Quốc gia, một người trong số họ là Nina Phạm đang dần hồi phục với tình trạng “chuyển biến từ yếu sang tốt”.
Bệnh viện Emory tại Atlanta, Georgia, nơi điều trị nữ y tá thứ hai nhiễm bệnh là Amber Vinson cho đến nay vẫn chưa cập nhật tình hình bệnh nhân.
Tại Tây Ban Nha, nữ y tá đầu tiên nhiễm Ebola khi chưa hề tới châu Phi cũng đã hồi phục, các bác sĩ cho biết hôm Thứ Ba (21/10).
Teresa Romero, 44 tuổi, là một trong những nhân viên y tá tại bệnh viện Carlos III từng điều trị cho hai nhà truyền giáo người Tây Ban Nha nhiễm Ebola từ châu Phi và qua đời tại Madrid vào tháng 8 và 9.
Còn tại Liberia, tổ chức MSF cho biết, Kollie James 18 tuổi thuộc nhóm bệnh nhân được chăm sóc trong khuôn khổ dự án của tổ chức này tại Guinea, Sierra Leone và Liberia…là bệnh nhân thứ 1.000 may mắn thoát chết.
Cha của James là một viên chức y tế làm việc cho MSF cho biết, ông đã mất đi người vợ, hai con gái và người anh vì dịch bệnh chết người này.
“Dĩ nhiên, tôi mừng vì Kollie sống sót, nhưng thật khó để không nghĩ về những người thân yêu đã không còn bên cạnh chúng tôi”, anh bùi ngùi.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo AP.