Mỹ ký hiệp ước duy trì quân ở Afghanistan
Các quan chức Afghanistan và Hoa Kỳ vào thứ Ba (30/9) đã ký một thỏa thuận an ninh bị trì hoãn lâu nay cho phép quân đội Mỹ ở lại đất nước này sang năm sau, giữ đúng lời hứa trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Ashraf Ghani mới nhậm chức.
Cố vấn an ninh quốc gia Hanif Atmar và đại sứ Mỹ James Cunningham đã ký thỏa thuận an ninh song phương trong buổi lễ được truyền hình tại dinh tổng thống, một ngày sau khi ông Ghani nhậm chức.
“Với tư cách của một quốc gia độc lập… thỏa thuận này sẽ giúp đất nước chúng ta ổn định, tăng cường tín nhiệm và thịnh vượng toàn dân tộc, cũng như vì hòa bình của khu vực và thế giới”, trích đoạn phát biểu của tổng thống Ghani sau lễ ký kết.
Người tiền nhiệm của tổng thống Afghanistan là Hamid Karzai luôn không muốn thỏa hiệp với Hoa Kỳ, khiến quan hệ giữa hai nước không được tốt đẹp.
Ông Karzai thể hiện sự bất bình trước con số thường dân bị thiệt mạng và cho rằng cuộc chiến này không phải vì lợi ích của Afghanistan.
Đại sứ Cunningham cho rằng nội dung hiệp là minh chứng thể hiện Mỹ vẫn duy trì cam kết tại Afghanistan, nơi các lực lượng nước ngoài đã góp phần gìn giữ an ninh kể từ khi chính phủ hồi giáo cực đoan Taliban bị lật đổ vào năm 2001 vì tội ác khủng bố vào ngày 11/9.
“Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với các đối tác Afghanistan để thực hiện hai nhiệm vụ an ninh quan trọng: đào tạo, trang bị cho quân đội Afghanistan và tăng cường liên minh chống khủng bố”, ông Cunningham cho hay.
Chỉ vài phút sau khi hiệp ước an ninh được ký kết, một thỏa thuận tương tự với NATO cũng được phê chuẩn, cho phép các thành viên của liên minh châu Âu tham gia vào lực lượng quân nước ngoài.
Ông Ghani nói trong bài phát biểu của mình, thỏa thuận này không tổn hại tới chủ quyền của Afghanistan và hai bên có quyền hủy cam kết trong vòng hai năm.
“Quyền sử dụng vũ lực sẽ dựa trên quyết định của chính phủ Afghanistan”, ông Ghani phát biểu. “Chúng ta sẽ tự kiểm soát không phận của mình. Lực lượng quốc tế sẽ không được phép tiến vào các khu vực nhà thờ Hồi giáo hoặc thánh địa khác”.
CÁC MỤC ĐÍCH ĐEN TỐI
Theo thỏa thuận, dự kiến 12.000 quân nước ngoài sẽ ở lại sau năm 2014, khi chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu lực lượng NATO ở Afghanistan kết thúc, 9.800 trong đó là lính Mỹ.
Họ sẽ đào tạo và hỗ trợ các lực lượng an ninh ở Afghanistan trong cuộc chiến chống lại Taliban và các liên minh hồi giáo cực đoan.
Hoa Kỳ có quyền giữ lại các căn cứ ở Afghanistan chừng nào hiệp ước an ninh có hiệu lực, đổi lại Mỹ hứa sẽ gây quỹ đào tạo và vũ trang cho các lực lượng an ninh Afghanistan, với quân số hiện là 350.000 người.
Tổng thống Ghani nhậm chức hôm thứ Hai (29/9) và kêu gọi Taliban đàm phán hòa bình. Ông thành lập một chính phủ liên hiệp với đối thủ Abdullah Abdullah trong cuộc bầu cử bị trì hoãn một thời gian dài với kết quả bỏ phiếu đạt được thỏa thuận để ông Ghani làm tổng thống và ông Abdullah nhận chức thủ tướng chính phủ với thực quyền.
Taliban, nhóm Hồi giáo chống đối các lực lượng nước ngoài và quân đội chính phủ do Hoa Kỳ hậu thuẫn, đã lợi dụng tình trạng đình trệ ở Kabul để tấn công nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ chiến lược ở các tỉnh như Helmand phía nam và Kunduz phía bắc.
Taliban lên án hiệp ước với Hoa Kỳ, hôm thứ Ba (30/9) gọi đây là một âm mưu “đen tối” của Mỹ nhằm kiểm soát Afghanistan và phục hồi danh tiếng quốc tế của mình như là một siêu cường quân sự. “Dưới vỏ bọc gọi là thỏa thuận an ninh, hôm nay người Mỹ đang âm mưu chuẩn bị cho một cuộc chiến ngầm rất nguy hiểm”, lực lượng Taliban tuyên bố với các phương tiện truyền thông. “Họ muốn lường gạt chúng ta bằng đủ mưu mẹo xảo quyệt và sự dối trá. Họ tưởng rằng người dân Afghanistan không biết gì về âm mưu và mục đích đen tối của họ”.
Thiên Hà, Bruce Phan – Theo Reuters