Trung Quốc phán án chung thân cho nhà hoạt động nhân quyền
Tòa án Trung Quốc hôm Thứ Ba (23/9) đã phán quyết án tù chung thân người ủng hộ xuất chúng nhất cho quyền lợi dân tộc Duy Ngô Nhĩ, điều này chứng tỏ chính quyền Trung Quốc quyết tâm đàn áp bất đồng chính kiến.
Giáo sư Ilham Tohti, 44 tuổi, bị xét xử trong phiên tòa kéo dài hai ngày tuần trước về tội danh ly khai ở khu tự trị miền tây Tân Cương. Phiên tòa dấy lên sự phản đối kịch liệt từ phương Tây và các tổ chức nhân quyền. “Tôi vô tội, tôi phản đối”, Tohti nói lớn tại phiên xét xử trước khi thẩm phán ra lệnh cảnh sát kéo ông ra khỏi toàn án, luật sư của Tohti là Li Fangping cho biết.
Ông Tohti người Duy Ngô Nhĩ, một trí thức ôn hòa cấp tiến, là trường hợp mới nhất bị chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình kết án. Tòa án cũng ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của ông.
“Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận”, luật sư Li bức xúc. “Ông Tohti sẽ kháng án. Chiểu theo ngôn từ, bản án cho thấy trường hợp này hoàn toàn mang tính chính trị”.
Bản án gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế và các nhà hoạt động nhân quyền, những người đang chịu đàn áp gia tăng từ phía chính quyền.
Ngoại trưởng Mỹ là John Kerry cho biết, nước Mỹ “rất bất bình” với phán quyết dành cho ông Tohti.
“Bất đồng chính kiến trong ôn hòa không được cho là phạm tội. Bản án hà khắc này có vẻ là đòn trừng phạt đáp trả những nỗ lực hòa bình vì mục tiêu thúc đẩy quyền con người cho các công dân Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc”, ông Kerry nhận định.
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, nước Mỹ “luôn ủng hộ” những người bị giam giữ bao gồm Tohti và tù nhân đoạt giải Nobel Hòa bình là Lưu Hiểu Ba.
Liên minh Châu Âu cũng cho rằng bản án này “thật sự bất công”.
“Phán quyết của tòa án Trung Quốc khiến mọi người rất bất ngờ, nó hà khắc hơn rất nhiều so với dự kiến. Một người nổi tiếng như vậy không đáng bị đối xử theo cách đó”, bà Maya Wang tại Tổ chức Giám sát Nhân quyền bình luận.
Kết án
Tại Trung Quốc, Tohti được xem là một trí thức thẳng thắn chuyên chỉ trích chính phủ về việc đã không cấp quyền tự trị cho Tân Cương và người Duy Ngô Nhĩ sinh sống ở đây. Nhà giáo hoạt động vì nhân quyền Ilham Tohti sẽ phải thụ án kể từ ngày 23/9.
Ông Ilham Tohti là giảng viên Đại học Minzu tại Bắc Kinh. Ông thường xuyên dùng lý lẽ hợp lý để thể hiện bất đồng về các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tộc người ở Tân Cương. Ông không ủng hộ Tân Cương trở thành một quốc gia độc lập, điều lại được tòa án biến đổi thành tội danh ly khai, mà thể hiện qua các bài viết đề cập đến nhu cầu đối thoại cởi mở về nguyên nhân gây nghi ngờ, căng thẳng giữa người Hán chiếm đa số và dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Ông điều hành một trang web, viết luận, tham gia các buổi phỏng vấn với truyền thông phương Tây để thảo luận và phê bình các chính sách của chính quyền. Chính vì điều này mà ông bị quấy rối và theo dõi trong nhiều năm. Sự trừng phạt dành cho Tohti càng được tộc người Duy Ngô Nhĩ coi là minh chứng đầy thuyết phục về chính sách hà khắc của chính quyền đối với dân tộc thiểu số mà ông chỉ trích.
Những năm gần đây, phương tiện truyền thông Trung Quốc tăng cường đưa tin về các vụ xung đột bạo lực giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, dù tính xác thực của thông tin khó mà kiểm chứng.
Cơ quan tuyên truyền nhà nước ra sức tạo hình tượng cho những sự kiện trên để quy kết tộc người thiểu số có xu hướng tham gia khủng bố do tư tưởng Hồi giáo. Ngược lại, quan điểm khác được nhiều người tán đồng hơn cho rằng, đó thực chất là cách thức đối phó trong bước đường cùng của những nạn nhân chịu khủng bố qua bao thập kỷ.
Những thông tin chính thức từ Tân Cương năm ngoái đã chỉ rõ, chính quyền gia tăng đàn áp phong tục và lối sống của người Duy Ngô Nhĩ, kể cả ngăn cấm thực hiện nghi thức Ramadan, một lễ hội Hồi giáo, cấm đoán các trang phục hồi giáo, mạng che mặt và lớp học tín ngưỡng.
Lực lượng an ninh hiện diện tại đây càng nhiều, với nhiều vụ bắt bớ kết tội do tụ tập đám đông và một loạt các bản án quy kết tội danh khủng bố. Ngày càng nhiều người Hán di cư đến vùng này, một vài quan chức đề xuất thúc đẩy hôn nhân giữa người Hán và Duy Ngô Nhĩ. Đây được coi là nỗ lực thực hiện chính sách đồng hóa quá lộ liễu của Bắc Kinh.
Giáo sư Emeritus Bruce Jacobs từ đại học Monash ở Úc miêu tả cách cai trị của Trung Quốc tại Tân Cương không khác gì của chủ nghĩa thực dân tuyệt đối. Hội nghị Duy Ngô Nhĩ Thế giới có trụ sở tại Bỉ cho biết, họ lên án vụ xét xử ông Tohti “bằng các ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể. Một kết quả như thế hoàn toàn không thể chấp nhận được và là minh chứng rõ ràng về tính phi nhân đạo cũng như sự thiếu tôn trọng nền tảng pháp luật tối thiểu của quan chức Trung Quốc”.
Quy kết tội danh ở Trung Quốc
Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tội danh ly khai định nghĩa một người có tội khi đi ngược lại “chế độ chuyên chính dân chủ và hệ thống xã hội chủ nghĩa”.
Các hành vi cấu thành tội ly khai theo luật này bao gồm “kích động gây bất hòa dân tộc”, “gây hỗn loạn về dân tộc”, và “phá hoại đoàn kết quốc gia và dân tộc”.
Tòa án định tội dựa theo những hành vi cụ thể khớp với quy định tại luật trên, nhưng xét xử thế nào lại do chính quyền điều khiển. Nicholas Bequelin, một nhà nghiên cứu châu Á thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền viết trên Twitter: “Phiên tòa dạng như vừa xử Tohti đơn thuần chỉ là xem bị cáo có chỉ trích chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hay không. Ngoài ra không còn nội dung nào để bàn”.
Ngòi bút ôn hòa
Các bài viết thực sự của Tohti khắc họa một con người hoàn toàn khác hẳn với hình ảnh mà cơ quan tuyên truyền của Đảng dựng nên. Trong một bài báo của Tohti với tiêu đề “Giấc mơ của tôi và sự nghiệp tôi đã chọn”, được đăng trên trang web hải ngoại Democratic China, ông viết về những điều đưa ông đến sự nghiệp nghiên cứu mối quan hệ căng thẳng giữa người Hán ở Trung Quốc và tộc Duy Ngô Nhĩ.
“Sau khi du lịch đến Trung Á, Nga, Nam Á và các nơi khác, tôi chứng kiến tận mắt vô số trường hợp giết chóc báo thù do xung đột sắc tộc, bất ổn chính trị, và thất bại để hòa hợp xã hội. Điều này thôi thúc mạnh mẽ tôi có ước vọng giúp Trung Quốc tránh khỏi những bi kịch trên. Tôi dần say mê nghiên cứu các vấn đề tại Tân Cương và Trung Á”.
Trong một đoạn khác ông viết, “tôi lo cho đất nước tôi, đất nước rồi sẽ trở nên hỗn loạn và chia tách”.
Sự nhạy cảm chính trị xung quanh các thảo luận thông thường về chủ đề sắc tộc tại Trung Quốc đã khiến vấn đề thêm trầm trọng, ông viết: “Đó thậm chí không phải là những thảo luận công khai và cơ bản về các vấn đề giữa Duy Ngô Nhĩ và trí thức người Hán. Tình hình như hiện giờ là cực kì bất thường và tồi tệ”.
Ông tạo lập trang web Uighurbiz dành cho tộc người Duy Ngô Nhĩ để “cho phép người Duy Ngô Nhĩ và người Hán giao tiếp trên cùng một diễn đàn. Dĩ nhiên, tranh luận gay gắt là khó tránh khi mọi người giao tiếp, nhưng tôi không lo ngại về những cuộc tranh cãi này. Nghi ngờ và căm phẫn ngấm ngầm trong im lặng mới thực sự đáng sợ”, ông kết luận.
Hàn Mai, Bùi Hương – Theo Reuters, The EpochTimes