Bệnh mất trí Alzheimer có thể phủ định sự tồn tại của linh hồn?
Dù bệnh tật vùi lấp mọi ký ức, cá tính cũng như toàn bộ trí tuệ trong thời gian dài; nhưng trước khi qua đời, nhiều bệnh nhân Alzheimer bỗng lấy lại sự minh mẫn trước khi mắc chứng này.
Hiện tượng đó được các chuyên gia gọi là “minh mẫn cuối đời” (terminal lucidity). Một số người vốn hoàn toàn mất trí trong nhiều năm do bệnh Alzheimer hoặc các triệu chứng tương tự, lại đột nhiên trở nên sáng suốt ngay trước khi họ qua đời.
Có ý kiến cho rằng, hiện tượng này đã bác bỏ lập luận trong triết học rằng “linh hồn” đơn thuần chỉ là một chức năng của bộ não.
Vào năm 1995, nhà triết học quá cố Paul Edwards đã viết một bài báo với tựa đề “Bệnh Alzheimer chứng minh linh hồn không tồn tại”.
Trong bài, ông lấy ví dụ về một “Bà D” – một quý bà tốt bụng và hào phóng, luôn luôn giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, căn bệnh Alzheimer đã hoàn toàn thay đổi điều đó. “Tất cả nét quý phái của bà đều biến mất. Bà ấy đã không còn nhận ra con cái của mình. Khi bệnh tình nặng hơn, bà trở nên vô cùng hung dữ. Người phụ nữ từng luôn giúp đỡ và đối xử tốt với mọi người ấy nay lại đánh đập cả bệnh nhân cao tuổi”, Robert Mays, nghiên cứu viên về cận tử dẫn lại ví dụ của Paul Edwards.
Ông Mays đã thuyết trình về “hiện tượng minh mẫn cuối đời” tại Hội nghị 2014 của Hiệp hội Nghiên cứu Cận tử Quốc tế (IANDS) hôm 30/8 vừa qua.
Đây là báo cáo khoa học của tiến sĩ Alexander Batthyany kiêm giáo sư giảng dạy môn khoa học nghiên cứu nhận thức của con người tại Đại học Vienna.
Triết gia Edwards cho rằng, trường hợp của bà D đã cho thấy tinh thần, hay tâm hồn, là không tồn tại tách biệt với não bộ. Khi bộ não bị tổn thương, thì tinh thần của người ta cũng bị ảnh hưởng. Bà D đã rất tốt bụng khi còn sáng suốt, nhưng tính cách ấy đã biến mất khi bộ não không còn hoạt động minh mẫn nữa. Điều này chứng tỏ rằng bộ não chính là nơi tạo ra tinh thần của con người.
Batthyany nói rằng trên bề mặt thì lập luận của Edwards tương đối thuyết phục. Tuy nhiên, hiện tượng minh mẫn cuối đời lại cho thấy tinh thần của người đó không bị hủy hoại giống như não bộ. Nếu tinh thần hoàn toàn phụ thuộc vào não bộ, thì khó có thể lý giải được một cá nhân hoàn thiện (một người có khả năng liên kết các ký ức khác nhau, có thể bình tĩnh và lý trí giao tiếp với những người khác và có thể hành động bình thường) lại trở nên như vậy. Khi một phần não bộ của người ta bị hủy hoại nặng nề do căn bệnh mất trí, có lẽ con người họ chỉ còn lại một mớ những tư tưởng chắp vá rời rạc.
Giáo sư Batthyany đưa ra câu hỏi: Nếu việc mất khả năng nhận thức chỉ là tạm thời thì lập luận của Edwards có còn thuyết phục nữa không? Nếu bà D chỉ tạm thời bị rối loạn do thuốc, hoặc có biểu hiện mơ màng giống như chứng bệnh Alzheimer thì sao? Nếu sau đó tinh thần của bà D trở lại bình thường và tính cách của bà lại trở về nguyên vẹn thì Edwards sẽ lý giải trường hợp này như thế nào?
Theo tiến sĩ Batthyany, trong trường hợp một người đột nhiên “minh mẫn cuối đời”, tức là ở một khoảnh khắc khi người đó sắp ra đi, tinh thần như được thoát khỏi bộ não bệnh tật. Qua đó, người ta có ấn tượng rằng tinh thần của con người bị não bộ kiềm chế, “giống như mặt trăng che khuất mặt trời, bộ não của con người che lấp tinh thần của họ”, tiến sĩ Batthyany ví von.
Các chứng cứ qua dữ liệu
Tiến sĩ Batthyany cho rằng, cần có những nghiên cứu sâu hơn về tình huống “minh mẫn cuối đời” để hiểu thêm về hiện tượng này cũng như ý nghĩa của nó. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trên 800 người chăm sóc bệnh nhân, chỉ có 32 người trả lời. Họ chăm sóc cho 227 bệnh nhân bị mất trí nhớ. Họ cho biết, có khoảng 10% số bệnh nhân đã từng trải nghiệm “minh mẫn cuối đời”. Tỷ lệ phản hồi thấp chứng tỏ hiện tượng minh mẫn cuối đời có thể không phổ biến.
Theo ông Batthyany, câu trả lời từ những người đã chứng kiến hiện tượng “minh mẫn cuối đời” khi chăm sóc các bệnh nhân là có thật. Tuy nhiên, chưa rõ hiện tượng này xảy ra theo tần suất như thế nào. Hầu hết những bệnh nhân này vẫn bị mất trí khi họ qua đời. Còn những người từng chứng kiến hiện tượng “minh mẫn cuối đời” thì thực sự không thể quên được ấn tượng lúc đó.
Một người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer đã nói: “Trước khi việc này xảy ra, tôi thường khá hoài nghi về khả năng phục hồi trí nhớ của những bệnh nhân thực vật mà tôi chăm sóc. Nhưng bây giờ, tôi hiểu rằng tôi đang chăm sóc cho người có linh hồn bất tử. Nếu bạn cũng chứng kiến điều tôi đã nhìn thấy, bạn sẽ hiểu rằng chứng mất trí có thể ảnh hưởng chứ không thể hủy hoại được tinh thần của con người”.
Theo Batthyany, vẫn cần có thêm nhiều bằng chứng qua các dữ liệu mới hơn. Một cuộc nghiên cứu khác về hiện tượng này cũng được hai nhà khoa học là Michael Nahm và Bruce Greyson tiến hành với báo cáo xuất bản trên Tạp chí Bệnh Thần kinh và Tâm thần năm 2010, đều dựa trên phân tích từ các ca bệnh đã được ghi chép từ 100 năm trước hoặc lâu hơn.
Bài thuyết trình của Batthyany đã trích dẫn một vài trường hợp, trong đó có câu chuyện về “Một bà lão mắc chứng mất trí, gần như đã bị câm, không còn nhận ra ai, không biểu cảm. Một ngày, bà gọi con gái mình đến và cảm ơn cô vì mọi việc cô đã làm cho bà … bà đã gọi điện cho các cháu nội ngoại, nói với chúng những lời yêu thương tình nghĩa, rồi bà nói lời tạm biệt. Bà qua đời ngay sau đó”.
Trong một nghiên cứu tình huống khác, bệnh nhân bị câm và rối loạn hành vi, có vẻ như không biết hoặc vô cảm khi người chồng tên là Urs của bà qua đời. Một vài tháng sau cái chết của ông, bà ngồi dậy trên giường, duỗi tay ra và nói: “Urs, vâng, vâng, em đã sẵn sàng”. Bà cũng qua đời ngay sau đó.
Batthyany nói, mặc dù trường hợp này có vẻ khá mơ hồ, nhưng nó không phải là chứng ảo giác hay thấy ở một số bệnh nhân Alzheimer. Nó diễn ra khá yên ả, có trật tự, và dựa trên dấu vết của ký ức đã vắng bóng trong thời gian dài. Nó cũng cho thấy một số điểm tương đồng với nhiều trải nghiệm cận tử – tình huống mà một số người đã thực sự chết trong một khoảnh khắc nhưng sống lại được. Họ thường kể rằng họ đã gặp những người thân yêu của mình, và những người ấy đã giúp họ “vượt qua”.
Người đã trải nghiệm cận tử cũng kể rằng họ lơ lửng ở trên thân xác mình, nhìn thấy những sinh mệnh khác hoặc cảnh tượng của thế giới bên kia, và có một cảm giác hưng phần tiềm tại, v.v.
Lý giải của các triết học gia
Khi tìm kiếm thêm những dữ liệu khoa học, Batthyany cũng cân nhắc đến lời nói của các nhà triết học. Ông đã trích dẫn lời của Spinoza: “Có thể có ánh sáng mà không có bóng ảnh, nhưng có bóng ảnh thì nhất định phải có ánh sáng”. Sự minh mẫn hay một tinh thần bình thường, chính là ánh sáng. Còn chứng mất trí và rối loạn chính là cái bóng. Phải có một nguồn sáng thực sự mới có thể tạo ra được bóng ảnh. Ở đây, nó là cái bóng méo mó của bệnh mất trí và Alzheimer.
Tiến sĩ Batthyany kết thúc bài thuyết trình và thận trọng lưu ý: nghiên cứu về minh mẫn cuối đời là một lĩnh vực rất mới mẻ. Chúng ta không thể kết luận một cách hấp tấp chỉ dựa trên những dữ liệu ít ỏi mà chúng ta đang có hôm nay. Chúng ta vẫn không biết chuyện gì xảy ra, và làm sao một số bệnh nhân đã mất trí nhiều năm trời với một bộ não tổn thương nghiêm trọng lại có thể minh mẫn trở lại.
Nghiên cứu của ông cũng chỉ ra, minh mẫn cuối đời thường xuất hiện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn (khoảng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ), và do đó rất khó phát hiện. Vì vậy, nên theo dõi sát sao bệnh nhân sắp qua đời – dù họ có tâm thần hay mất trí hay không. Những trải nghiệm giống như minh mẫn cuối đời sẽ để lại ấn tượng khó phai và mang lại niềm an ủi vô cùng to lớn đến gia đình, bạn bè người bệnh, cả những người đã chăm sóc họ. Điều này có những hàm nghĩa lớn lao khác mà chúng ta chưa biết đến.
Theo Đại Kỷ Nguyên