Hành trình tìm mẹ tiền kiếp cho con trai và bức tranh manh mối
Nếu một ngày đứa con đáng yêu của bạn đột nhiên nói với bạn rằng: “Mẹ ơi! trước khi làm con của mẹ, con từng có một người mẹ khác”. Bạn có cho rằng đây chỉ là lời nói đùa của con trẻ?
Nếu chỉ là lời vu vơ của trẻ nhỏ, vậy giải thích sao cho những trường hợp một đứa trẻ có thể dẫn bạn đến chính xác một nơi mà chính bạn cũng chưa từng đặt chân đến, biết một người mà chúng chưa từng gặp, hay nói thứ ngôn ngữ mà chúng chưa từng được học qua…
Chie – một người mẹ đến từ Nhật Bản, từng nghe đứa con trai yêu quý Nomura Sakirato của mình nói rằng:
“Mẹ hiện tại có giọng nói không dễ thương chút nào. Mẹ trước kia của con có giọng nói vô cùng dễ thương…”
Những câu nói này sau đó vẫn liên tục được lặp lại, cho đến một hôm, cậu bé buồn bã nói rằng:
“Con muốn gặp người mẹ kiếp trước của mình. Mẹ có lẽ vẫn còn đang rất đau buồn, con muốn gặp lại mẹ khi bà còn sống”.
Vốn là một người tin vào Phật pháp, Chie kết luận đó là ký ức từ tiền kiếp của con trai, nhưng câu chuyện lại dần chìm vào quên lãng.
Cho đến một ngày cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết khiến cô thấu hiểu hơn về tình thân và sinh ly tử biệt. Chie không biết liệu mình còn bao nhiêu thời gian, vì vậy đã quyết định sẽ giúp con trai hoàn thành tâm nguyện.
Hành trình tìm mẹ cho con trai bắt đầu từ việc lập một tài khoản Twitter. Thông qua những gì con trai kể, Chie đã mô tả chi tiết về lý do qua đời của Sakirato trong tiền kiếp như sau:
Năm ấy vào đúng dịp nghỉ hè, cậu bé đã bị một chiếc ôtô đâm gãy xương chân phải. Sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, mặc dù ca mổ thành công nhưng cậu đã tử vong vì nhiễm trùng sau phẫu thuật. Chiếc xe máy cậu chạy lúc đó có màu đỏ, thuộc hãng Yamaha hoặc Honda.
Tuy nhiên có một số ký ức đã mờ nhạt, chẳng hạn Sakirato không thể nhớ được năm qua đời của mình, nhưng dựa vào loại máy chơi game mà cậu thích nhất, có thể đoán được vụ tai nạn xảy ra vào những năm 1990.
Người cha trong tiền kiếp là một dược sĩ trong bệnh viện cỡ trung, còn mẹ làm công việc nội trợ, bà có một mái tóc rất dài.
Nơi họ sống có lẽ gần thị trấn Ishidanicho thuộc thành phố Kagoshima. Tuy nhiên, manh mối quan trọng nhất là tên của cha mẹ và tên của chính mình thì cậu bé hoàn toàn không nhớ. Điều này khiến việc tìm kiếm người thân gặp rất nhiều khó khăn.
Bức tranh manh mối
Để mọi người dễ hình dung, cậu bé đã vẽ một bức tranh mô tả chi tiết địa điểm xảy ra tai nạn năm đó.
Có một cột đèn đỏ ở ngay ngã tư, trên đường có một bảng chỉ dẫn màu vàng và ngôi nhà nhỏ ngay bên đường. Đứa trẻ còn nói rằng đèn giao thông sẽ phát ra âm thanh giống như tiếng chim kêu.
Bức ảnh này nhanh chóng có hơn 30.000 lượt chia sẻ trên Twitter và được hai tờ báo đưa tin. Chương trình đặc biệt của đài TBS “Blast! Friday” (Bakuho! THE Friday) cũng đến phỏng vấn và được Chie đồng ý.
Nhưng nhiều tháng trôi qua, Chie vẫn không tìm được bất kỳ manh mối nào về một nơi như vậy.
Rồi bỗng một ngày, Chie nhận được tin nhắn từ một người lạ. Cư dân mạng này cho biết, gần đây ông mới trở về quê hương và biết được rằng con trai của cháu ông đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông cách đây nhiều năm. Ông cũng cung cấp một vài bức ảnh để tham khảo.
Sau khi xem ảnh, Sakirato khẳng định những cảnh này cậu đã từng nhìn thấy trước đây.
Người đàn ông đã đưa mẹ con Chie đến nơi xảy ra vụ tai nạn xe năm đó. Nó giống hệt với mô tả trên bức tranh của Sakirato. Hơn nữa, đèn giao thông cũng phát ra âm thanh như tiếng chim kêu giống với miêu tả của đứa trẻ.
Trong lúc Chie còn chưa hết kinh ngạc, người đàn ông chỉ vào một ngôi nhà bên đường và nói rằng, đó là nhà người cháu đã mất con của ông. Ngạc nhiên là nó giống hệt ngôi nhà nhỏ trong bức tranh của Sakirato.
Chie phải lấy hết can đảm để gõ cửa nhà của người ấy, cô không quên mang theo lá thư mà con trai gửi cho người mẹ từ tiền kiếp.
Tuy nhiên, kết quả không như Chie mong đợi, người cha đó nói rằng sau nhiều năm, ông không muốn nhắc lại chuyện cũ và khuyên Chie: “Hãy buông bỏ và thuận theo tự nhiên”.
Chie cảm thấy có chút ân hận. Điều này chẳng khác nào cô đang khơi lại vết thương lòng của người khác, dù sao thì cậu bé 17 tuổi năm đó sẽ không bao giờ có thể quay trở lại nữa. Sau đó Chie đã hủy tài khoản Twitter và ngừng khám phá “tiền kiếp” của con trai mình.
Chuyện luân hồi của Sakirato từng làm dấy lên làn sóng dư luận trên báo chí Nhật Bản, nhất là đối với những ai vẫn đang hoài nghi về luân hồi chuyển kiếp.
Nhưng trên thực tế, luân hồi không phải là một khái niệm mơ hồ, mà chính là hình thức tồn tại cơ bản của sinh mệnh. Theo nhà Phật giảng, con người sau khi chết sẽ phải chuyển sinh qua nhiều kiếp, và những gì họ phải trải qua trong tương lai như buồn đau khổ hận, tai nạn, hoặc sung sướng hạnh phúc,… đều dựa vào các hành vi thiện ác trong kiếp sống trước đó mà định đoạt vậy.
Chúc Di (Theo Epoch Times)