Hồ nước rộng mênh mông bỗng ‘biến mất không dấu vết’ chỉ sau một đêm
Các hồ nước đã tồn tại suốt nhiều năm trong quá khứ nhưng rồi đột nhiên biến mất một cách bí ẩn và không để lại dấu vết chỉ trong một đêm.
Hồ Nam Lăng
Người dân sống ở khu vực núi Long Sơn ở thị trấn Yashan huyện Nam Lăng, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ai cũng biết đến câu chuyện “hồ ma”, hay còn gọi với tên dễ nghe là “hồ nước kỳ diệu”. Nguyên nhân khiến hồ Nam Lăng có cái tên như vậy là bởi hồ nước này từng tồn tại suốt nhiều năm trong quá khứ, nhưng rồi đột nhiên biến mất một cách bí ẩn chỉ trong một đêm.
Nói đến hồ Nam Lăng, người dân địa phương thích gọi nó bằng cái tên thân thuộc hơn là “hồ ma”, có lẽ là do hồ nước này biến mất một cách đầy bí hiểm và những âm thanh lạ mà nó phát ra. Cho đến hiện tại, vẫn chưa ai hiểu được sức mạnh bí ẩn nào đã khiến nó bốc hơi nhanh chóng đến vậy?
Được biết, hàng chục năm trước giữa các đỉnh núi Long Sơn bỗng đột nhiên xuất hiện một hồ nước có diện tích lên tới 3.000m2. Với lượng nước dồi dào, đây là nơi cư trú của rất nhiều tôm, cá, mang lại nguồn sống cho người dân xung quanh. Với họ, hồ Nam Lăng giống như một kho báu trên núi vậy.
Nhưng bỗng vào một buổi sáng, khi những người dân tới hồ đánh bắt cá như thường lệ, họ gặp phải cảnh tượng bất thường đầy ngỡ ngàng.
Nếu như ngày hôm trước, Nam Lăng còn là hồ nước với lượng nước dồi dào, đầy ắp cá tôm, thì chỉ sau một đêm tất cả đã biến mất. Mặt hồ chỉ còn một bãi đất khô hạn, cạn trơ đáy. Điều này khiến nhiều người thấy lo lắng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Nhiều lời đồn cùng những nghi vấn được đặt ra. Người thì cho rằng, do hạn hán xong điều này nhanh chóng được phản bác bởi nó rất khó xảy ra để một hồ nước rộng như vậy khô hạn chỉ trong một đêm. Hơn nữa, hồ Nam Lăng lại nằm trong khu vực cận nhiệt đới ẩm, nơi có độ ẩm cao và lượng mưa nhiều, nên việc bốc hơi trong thời gian rất ngắn là điều không thể xảy ra.
Theo cách giải thích của các nhà khoa học thì hồ Nam Lăng thực chất là một hồ nước dạng địa hình Karst. Đây là địa hình của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất.
Nói một cách khác, dòng nước ngầm của hồ như nhánh cây lớn. Tại vị trí nút giao giữa thân cây và nhánh cây nếu bị tắc có thể dẫn tới các dòng xung quanh khó lưu thông. Điều này dần dần tích tụ và hình thành nên hồ Nam Lăng.
Nhưng sau một thời gian dài, khi những nút giao giữa chúng không còn tắc nữa nước hồ sẽ chảy vào các nhánh khác và biến mất chỉ sau một đêm. Và những âm thanh lạ mà người dân thường nghe thấy từ hồ chính là tiếng nghẽn giữa các dòng chảy suốt thời gian dài.
Biến mất một cách bí ẩn.
Cho đến nay đã có một số con sông, hồ biến mất một cách bí ẩn và hết sức đột ngột mà các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra lời giải đáp hợp lý. Đầu tiên là hồ Atoyac ở Mexico, và gần đây là hồ Riesco ở Chile.
Cụ thể, hồ Riesco nằm ở vùng Patagonia, Chile rộng khoảng 14,8 km2. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực này. Việc hồ nước khổng lồ đột nhiên biến mất một cách bí ẩn khiến dư luận vô cùng hoang mang vì không ai có thể đưa ra một lời giải thích thỏa đáng. Hiện cũng chưa có nguồn thông tin xác định nguyên nhân sự việc từ các quan chức địa phương.
Có một giả thiết rằng nguyên nhân của vụ việc là do hoạt động địa chất trong vùng. Hồ Riesco nằm trên nứt gãy Liquiñe-Ofqui, chạy dọc 1.200 km phía Nam Chile. Nếu đây là nguyên nhân thực sự thì hồ nước có thể xuất hiện trở lại như trường hợp một hồ nước tương tự mất tích bí ẩn trước đó ở Iceland nhưng xuất hiện trở lại sau 1 năm.
Hồ Riesco thuộc vùng có khí hậu ôn đới với lượng mưa hàng năm khoảng 3.000 mm. Tuy nhiên, gần đây, có thể do tác động của hiện tượng El Niño mà lượng mưa khu vực này bị sụt giảm, dẫn đến sự khô cạn đột ngột của hồ nước này. Đây là giả thiết thứ hai mà các nhà khoa học có thể đưa ra.
Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và sự việc đầy bí ẩn này vẫn là một câu hỏi lớn mà không ai có thể có lời giải thích thỏa đáng và không thể chắc chắn được liệu hồ có thể đầy nước trở lại hay không.
Thiện Thành (t/h)