Khám phá mỏ kim cương bỏ hoang lớn thứ hai thế giới
Mir hay Mirny là một mỏ kim cương lộ thiên bị bỏ hoang nằm ở khu vực Mirny, phía đông Siberia, Nga. Trong giai đoạn cao điểm khi còn vận hành, khu mỏ khai thác được trên 10 triệu cara kim cương/năm.
Với độ sâu gần 525m và đường kính khoảng 1.200m, mỏ kim cương Mir là mỏ lộ thiên lớn thứ tư về chiều sâu và là khu mỏ rộng thứ hai trên thế giới, sau mỏ đồng Bingham Canyon ở Utah, Mỹ.
Trực thăng bị cấm bay vào không phận phía trên Mirny do kích thước to lớn của mỏ khiến nhiệt độ và dòng chuyển động khí tại bầu khí quyển xung quanh đó có sự khác biệt lớn so với mức thông thường, dễ gây tai nạn khi máy bay bị hút xuống theo luồng không khí.
Sau Thế chiến II, Liên Xô cũ cần một lượng lớn kim cương công nghiệp để hỗ trợ tái thiết đất nước. Do đó, việc khai thác kim cương được tiến hành nhằm xây dựng một nền kinh tế tự chủ hơn cho đất nước này.
Mỏ kim cương Mirny được phát hiện năm 1955 trong cuộc thám hiểm Amakinsky của 3 nhà địa chất học là Ekaterina Elagina, Uri Khabardin và Viktor Avdeenko. Chuyến thám hiểm này cũng đánh dấu khám phá đầu tiên về loại đá kimberlite, một dạng đá núi lửa đặc biệt có chứa kim cương. Ba nhà khoa học đã được trao giải Lê-nin, một giải thưởng danh giá như giải Nobel ngày nay.
Siberia có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Mùa đông tuyết phủ ở đây kéo dài 7 tháng trong khi mùa hè lại rất ngắn, khiến việc khai thác gặp nhiều trở ngại. Khi việc khai thác bắt đầu từ năm 1957, khu mỏ bị bao phủ trong lớp tuyết dày, người ta phải sử dụng động cơ phản lực và thuốc nổ để phá lớp băng vĩnh cửu mới có thể tiếp cận đá kimberlite bên dưới. Công nhân phải làm việc trong điều kiện tối tăm vào ban đêm bởi toàn bộ mỏ được che phủ hoàn toàn để ngăn máy móc không bị đóng băng.
Mỏ Mirny có thể khai thác khoảng 2.000kg (khoảng 10 triệu cara) kim cương mỗi năm. Những viên kim cương chất lượng tốt nhất nằm chủ yếu ở tầng trên của khu mỏ, tại đây kim cương có thể đạt khoảng 4cara/tấn quặng khoáng đá. Chất lượng kim cương giảm dần theo độ sâu của mỏ và chỉ đạt năng suất khoảng 2cara/tấn quặng ở tầng dưới cùng. Với những viên kim cương chất lượng cao khai thác tại khu mỏ Mirny, Nga trở thành quốc gia sản xuất kim cương lớn thứ ba trên thế giới.
Với khối lượng khai thác khổng lồ của mình, Mirny là một trong những nguồn thu lớn nhất cho Liên Xô cũ, tuy nhiên khu mỏ này lại trở thành một vấn đề hóc búa đáng lo ngại trong nhiều thập kỷ đối với công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới DeBeers của Luxembourg. Trước khi Mirny được đưa vào khai thác, DeBeers là công ty độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh kim cương từ đầu TK 19. Để duy trì mức giá cao, công ty này buộc phải mua lại hầu hết các viên kim cương chất lượng được khai thác từ Mirny. Dựa trên kinh nghiệm chuyên ngành của mình, DeBeers cho rằng mỏ Mirny sẽ đạt đến giới hạn trong khoảng cuối những năm 1960. Tuy nhiên, trong một thập kỷ sau đó, Liên Xô cũ đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi vẫn tiếp tục tăng sản lượng kim cương chất lượng cao.
Hồ Duyê[email protected] – Theo Whenonearth.