Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trong việc chống tham nhũng
Tham nhũng đã khiến các nhà lãnh đạo TQ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: không chống tham nhũng thì vấn nạn này sẽ ảnh hưởng tới sự tồn vong của đảng cầm quyền (CCP); nhưng nếu quá thận trọng, thì cũng đe dọa đến vị trí sống còn của CCP.
Một mặt, rất nhiều lãnh đạo TQ đã cảnh báo rằng, tham nhũng là mối đe dọa hiện hữu với CCP. Ví dụ, trước lúc chuyển giao quyền lực tháng 11/2012, cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào nói: Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp, nó có thể gây ảnh hưởng cốt tử tới đảng, thậm chí gây ra sự sụp đổ của đảng cầm quyền và sụp đổ nhà nước.
Ông Hồ Cẩm Đào còn nhấn mạnh: Tất cả những ai vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước, dù họ là ai, quyền lực thế nào, nắm giữ cương vị gì thì đều phải bị đưa ra trước công lý không có khoan dung, thương xót.
Không lâu sau khi nắm chính quyền, ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại thông điệp này khá nhiều lần. Ví du, trong bài phát biểu với Bộ Chính trị mới, ông Tập cảnh báo: Một số lượng lớn thực tế cho thấy, tham nhũng có thể giết chết đảng cầm quyền và hủy hoại đất nước.
Có những sự thật chắc chắn đã khẳng định lời cảnh báo này. Thực tế quan tham đã trở thành cột thu lôi những bất bình của người dân TQ. Hơn thế nữa, với sự phát triển của truyền thông xã hội, vấn nạn này càng khó che đậy trước công chúng. Ông Tập từng nói rằng: Ở nhiều quốc gia, tham nhũng đóng vai trò lớn trong các cuộc xung đột nảy sinh do sự bất mãn kéo dài, dẫn đến sự bất ổn xã hội và lật đổ quyền lực chính trị.
Thậm chí nếu tham nhũng không trực tiếp tạo ra những bất ổn xã hội, thì nó có thể làm gián tiếp làm suy yếu CCP. Các quan chức quan liệu và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với rất nhiều đặc quyền đã tạo ra sự mất cân bằng lớn bất lợi với kinh tế TQ. Vì thế, trừ phi các lãnh đạo TQ có thể giải quyết vấn nạn tham nhũng, nếu không họ sẽ không thể tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng mạnh mẽ hơn. Và sự thất bại này sẽ khiến kinh tế trở nên trì trệ, dẫn tới đe dọa sự tồn vong của CCP.
Nhưng, khi thất bại trong chống tham nhũng đe dọa đến tương lai của CCP thì điều ngược lại cũng có hậu quả tương tự. Thực tế này ngày càng trở nên rõ nét trong vài tuần gần đây, khi ông Tập và đội ngũ chống tham nhũng của ông đã vấp phải những đối kháng. Nổi bật nhất khi ông Tập có bài phát biểu với quan chức địa phương mới đây. Ông nói: Hai đội quân tham nhũng và chống tham nhũng đối đầu, thì một sự bế tắc cũng xuất hiện trong chiến dịch chống tham nhũng.
Ông khẳng định: Để chống tham nhũng, cuộc sống và cái chết của một người, khen ngợi hay đổ lỗi không quan trọng. Để thực hiện cam kết này, ông Tập đã lệnh cho các nhà điều tra chống tham nhũng kiểm tra ngay ở những khu vực mà trước đây ông từng dẫn dắt.
Sự đối kháng đến từ chính nội bộ CCP không phải là điều ngạc nhiên. Bởi tái cân bằng kinh tế đồng nghĩa với việc diệt trừ tham nhũng ngay trong hàng ngũ CCP. Khi lợi ích kinh tế giảm sút, thì lòng trung thành với đội ngũ cầm quyền cũng giảm theo. Các sự kiện xảy ra gần đây trong thế giới Ả rập (ở quảng trường Tahrir hay cuộc nội chiến Syria) cho thấy, một cuộc nổi dậy chính trị lớn sẽ không thành công trừ phi có được sự ủng hộ của một số thuộc giới tinh hoa đất nước.
Cũng giống như vấn nạn tham nhũng, chính chiến dịch chống tham nhũng dù không trực tiếp làm suy yếu CCP thì cũng có thể là gián tiếp. Ví dụ, với việc điều tra Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên thường vụ Bộ chính trị, ông Tập có thể cho thấy, tương lai chuyển giao chính trị ở TQ sẽ có nhiều bất đồng hơn. Điều này tự nó có thể đe dọa làm suy yếu tương lai của CCP.
Và đây là cái khó, đặt lãnh đạo TQ trong cảnh đi cũng dở, ở chẳng xong: nếu không chống tham nhũng thì vấn nạn này chắc chắn sẽ nhấn chìm CCP, nhưng nếu xử lý nó một cách quá thận trọng thì hậu quả cũng không khác gì.
Theo Vietnamnet, Diplomat