Truyền kỳ về chưởng môn phái… ‘nhường ba đòn’ ở Hà Nội
Trong làng võ thuật Việt Nam, để phân định ai là đệ nhất cao thủ thật khó, tuy nhiên, tìm được người dành cả cuộc đời của mình cho đam mê “đánh đấm” ấy như võ sư Băng Sơn, chưởng môn phái Võ lâm phật gia còn khó hơn nhiều.
Chân dung võ sư Băng Sơn, chưởng môn phái Võ lâm phật gia |
Võ sư Băng Sơn, tên thật là Bùi Quốc Sơn, sinh năm 1958, quê Hải Dương, chưởng môn phái Võ lâm Phật gia, đệ tử chân truyền của chưởng môn đời thứ 44, môn phái Thiếu Lâm Phật Gia, đại sư người Trung Quốc, Lý Chấn Hòa. Võ lâm giang hồ còn biết đến ông với tư cách là đệ tử cuối cùng trong nhóm Thập nhị đại đồ đệ (pháp danh Bắc Phong Chân Nhân) của đại sư, Chưởng môn phái Võ lâm Côn Luân, Thanh Hư Chân Nhân Đoàn Tâm Ảnh.
Võ sư Băng Sơn và các môn sinh của mình còn nổi tiếng ở cách hành xử lạ thường khi tỉ thí võ nghệ: Luôn nhường trước đối phương trước 3 đòn rồi mới xuất chiêu đánh trả.
Không những thế, võ sư Băng Sơn còn nổi danh là người khảng khái, nghĩa hiệp, sẵn sàng ra tay làm việc nghĩa khi gặp chuyện bất bình. Chính nhờ đức tính ấy, mà trong chốn “võ lâm” đất Việt, ông luôn được nể trọng dăm phần.
Võ sư Băng Sơn thời trẻ. |
Đam mê từ thủa ấu thơ
Quê ông ở Mao Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương, ông là con thứ 5 trong một gia đình thuộc dòng dõi võ học nổi danh thời bấy giờ. Ông nội ông là một võ sư chuyên đánh gậy, khét tiếng Tổng Mao Điền. Ngôi làng nằm sát khu đường 5 vốn nổi tiếng nhiều nhóm cướp táo tợn, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng ông nội ông, nếu không bỏ chạy bạt mạng thì chí ít cũng phải dè chừng, dăm phần nể sợ.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện mà mãi sau này ông mới biết. Bởi, ngay từ khi lớn lên trên mảnh đất Hà Nội, bố ông mẹ khi ấy luôn hướng cho con trai mình theo nghiệp văn. Trở thành bác sĩ hoặc giáo viên, là ước vọng mà cha mẹ ông đặt lên vai người con trai cả.
Thế nhưng, cậu bé Sơn, từ khi cái thủa “mặc quần thủng đít” đã ước mong trở thành hiệp sỹ, trừ gian diệt bạo mà chẳng màng đến chuyện học hành. Ông kể, sách tập đọc có quất roi vào mông, ông cũng chẳng muốn đọc đến nửa trang, nhưng những cuốn truyện kiếm hiệp thì ông có thể nghiền ngẫm cả tuần không biết chán.
Những câu chuyện võ thuật, những màn đánh đấm quyền cước trên võ đài làm luôn ông mê mẩn. Ước mơ học võ cũng ngấm vào ông chẳng biết tự lúc nào. Nhưng thời bấy giờ, những người học võ được xem là những kẻ hư hỏng, biết có xin học bố mẹ cũng chẳng bao giờ đồng ý nên ông luôn tìm cách… học lén.
Bố ông vốn là công an Quảng Bá, phụ trách đội tự vệ của nhà máy. Thỉnh thoảng có lớp dạy tự vệ, tổ chức ở công viên Thống Nhất, ông vẫn thường lén lút đứng xem và học theo.
Lên học cấp 2, ông có hai cô bạn gái ngồi gần, là “dân phe” ở chợ Đồng Xuân, cho mượn cuốn hai cuốn võ thuật, 1 cuốn võ tàu và 1 cuốn Nhu đạo. Những đường võ từ hai cuốn sách cộng với những bài “học lén”, nhưng cậu bé Sơn khi ấy đã giắt lưng cho mình một vài thế võ, dù không bài bản, nhưng “đủ để tự tin đánh lộn”.
Duyên gặp cao nhân
Máu võ vẽ, ông nhanh chóng nhập bọn với một đám trẻ ở khu phố, tuy nhỏ tuổi nhất, nhưng trong hội ông được xem là đứa lì đòn nhất. Sau những trận đánh lộn giữa những đám choai choai, tuần nào về nhà ông cũng mang theo dăm bảy vết bầm tím.
Một lần cùng nhóm bạn lang thang ra ga Hàng Cỏ, nhóm ông gặp một trận “phục kích bất ngờ”. “Đối thủ” vừa lớn tuổi hơn, vừa to con, đồng bọn của ông chạy hết còn một mình ông bị quây lại. Vốn ghét thằng bé nhỏ con mà lì đòn, nhóm kia cứ thẳng tay gậy gộc, gạch đá mà nện thẳng vào người ông.
Biết mình yếu thế, ông vừa đánh trả quyết liệt vừa tìm đường thoát thân. Nhưng thân cô thế cô, những trận đòn của “kẻ thù” càng lúc càng tới tấp. Ga Hàng Cỏ khi ấy vắng tanh, chỉ có vài căn lều lúp xúp với mấy hàng bán bánh mì và chè xanh dạo, chuyện gọi người cứu giúp khi ấy là không tưởng. Cậu bé Sơn trong đầu chỉ có suy nghĩ, phen này không bỏ mạng cũng nát nhừ đòn.
Trong lúc đang choáng váng, bỗng ông nghe có tiếng con gái hét lên thất thanh: “Sao lại đánh người ta như thế”. Đám đông dãn ra, hướng ánh mắt đang hừng hực lửa giận vào phía “kẻ phá đám”.
Hiện ra trong đôi mắt bầm tím của ông khi ấy, là hình ảnh cô bé trạc tuổi ông, khoảng 12, 13 tuổi. Cô bé mặt hơi lấm lem nhưng rất xinh. Mắt sáng, da ngăm ngăm, khuôn mặt trái xoan, tóc dài cặp ba lá, mặc áo hoa, quần lụa. Ấn tượng mà ông nhớ nhất là trùm khăn và đi đôi dép xăng đan như kiểu Trung Quốc ngày xưa.
Nhanh như cắt, cô nhảy vào giữa vòng vây, thân thủ nhanh nhẹn, chỉ bằng một hai cú đá cô đã đánh gục 2 trong số 10 tên to lớn, hơn hai người dăm ba tuổi. Tuy nhiên, “đối thủ” quá đông, lại đang hăng máu, hai đứa trẻ bị dồn vào chân tường.
Võ sư Băng Sơn trong một màn biểu diễn võ thuật. |
Khi ấy, ông lại tròn mắt vì sự xuất hiện của một người đàn ông trung niên, vai đeo bị, mặc bộ quần áo của người dân lao động, đầu đội mũ nan rộng vành, giống như người kéo xe tay của Trung Quốc. Sau ông mới được biết rằng, đó là chưởng môn đời thứ 44 của môn phái nổi tiếng ở đất võ Trung Hoa: Thiếu lâm Phật gia. Ông tên là Lý Chấn Hoà, pháp danh là Băng Tâm (sinh năm 1889, quê ở tỉnh Hà Bắc), con trai của võ sư nổi tiếng và là Chưởng môn đời thứ 43 của môn phái, Lý Chấn Sinh. Bởi cuộc cách mạng dân quốc năm 1937 mà ông phải ly tán sang đất Việt.
Ông còn nhớ như in, “ân nhân” của mình khi ấy, chỉ bằng vài quyền cước chỉ nhẹ như cái gạt tay, cả đám người kia đã ngã chỏng vó, không đứng dậy nổi. Biết gặp phải cao nhân, đám choai choai kia kẻ ôm bụng, người nhảy lò cò, thất kinh bỏ chạy.
Đó là câu chuyện mà võ sư Băng Sơn luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời võ học của mình. Ông bảo, trong mấy chục năm “bôn tẩu giang hồ” sau này, kể cả anh em đồng môn cũng chưa từng có ai xả thân cứu ông như thế.
Tạm biệt hai ân nhân, ông hẹn ngày tái ngộ và khi nào có cơ hội sẽ tìm đến chơi.
Nửa tháng sau, khi vết thương cũng đã lành lặn, nhớ đến người cao nhân và cô bé xinh xắn nọ, ông quyết định tìm gặp ân nhân để cảm ơn như đã hứa.
Đó là một buổi chạng vạng tối mùa hè, ông tìm đến Trại nhãn, khu lao động của dân tứ xứ. Theo chỉ vẽ, ông tìm đến một ngôi nhà lá tuềnh toàng, lụp xụp. Ông rụt rè nhè nhẹ gõ cửa. Cánh cửa bật mở, ông cụ ân nhân hôm trước vừa nhìn thấy ông đã nhận ra và khoát tay ra dấu vào nhà.
Vừa bước qua cánh cửa, cậu bé Sơn đã nghe thấy tiếng người huỳnh huỵch. Tiếng hô, tiếng nện chân của quyền cước chắc nình nịch. Vốn đam mê võ thuật, nhìn thấy đám người tập võ, cậu bé Sơn lấy làm hứng thú lắm. Trong bụng khi ấy đã mừng thầm, biết là mình đã tìm được đúng chỗ để thực hiện niềm mong mỏi bấy lâu.
Ông cụ chỉ tay: “Ra mà chơi với Hương đi con”. Tuy nhiên, ngồi bên cạnh cô bé Hương xinh đẹp, nhưng lúc này ánh mắt của Sơn chỉ chăm chăm nhìn ngắm mê mẩn những người đang luyện võ.
Vào ngồi nói chuyện với cô bé, nhưng cũng quên béng mất cô bé xinh đẹp ngồi bên cạnh chỉ chăm chăm liếc nhìn những quyền cước của nhóm người kia.
Thấy vậy, Hương quay sang hỏi: “Bạn thích học võ lắm à”. “Mình rất thích nhưng mình không có điều kiện”. “Mình sẽ nói với bá, nếu bá đồng ý nhận”. Nghe đến đây, Sơn như mở cờ trong bụng, lòng sung sướng vô cùng, phải cố gắng lắm mới không hét lên sung sướng.
Khoảng 1 tháng sau đó, trong một đêm trăng sáng vằng vặc, khi cùng ông cụ người Hoa tản bộ trên bờ đê La Thành ngắm trăng, bất ngờ, ông quay sang hỏi: “Có phải con thích học võ không. Hôm ấy ta nhìn con và Hương đánh nhau, ta nhìn con cũng có căn cốt. Con có theo học thày võ nào không?”. Sơn trả lời: “Con tự học thôi”. “Nếu con muốn ta sẽ dậy và nhận là con nuôi của ta”. Chỉ chờ có thế, Sơn không do dự gật đầu đồng ý ngay.
Bắt đầu từ buổi tối ngày hôm đấy, Sơn không ngờ rằng, cuộc đời mình đã rẽ hẳn sang một lối rẽ khác. Từ một cậu bé con ham chơi, hiếu động, vượt qua bao rào cản của gia đình, cậu đã đeo đuổi ước mơ võ học và sau này trở thành một võ sư lừng lẫy.
Tuy nhiên, chặng đường ấy còn phải trả bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu….
(Còn tiếp)
Lê Trang
(theo zing)