Việt Nam khẩn cấp phòng dịch Ebola
Dịch bệnh Ebola nguy hiểm xuất hiện ở 4 quốc gia Tây Phi (Sierra Leone, Guinea, Liberia, Nigeria) đã làm gần 1.000 người tử vong trong số khoảng 1.800 trường hợp nhiễm bệnh.
Mức lây lan của dịch bệnh này khiến cả thế giới rúng động. Dịch đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực Đông Nam Á khi mới đây, Philippines phát hiện 7 người nhiễm virus Ebola; Thái Lan cũng phát hiện 21 du khách nghi nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới vừa ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola và đề nghị các biện pháp ứng phó.
Ba kịch bản
Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do virus Ebola nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh này là rất lớn. Trước tình hình đó, sáng 9-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng họp khẩn cấp với các bộ, ngành để chỉ đạo ngăn chặn dịch sốt xuất huyết do virus Ebola.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải khẩn trương thực hiện mọi biện pháp cần thiết, không để lây lan dịch do virus Ebola vào Việt Nam, trường hợp có dịch, phải ứng phó hiệu quả nhất; Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thực hiện các biện pháp cần thiết hạn chế công dân đi du lịch, làm việc ở các nước có dịch bệnh, trong truyên truyền về dịch bệnh phải cập nhật kịp thời song bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch bệnh này có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Hiện Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh với 3 tình huống. Cụ thể, tình huống 1: chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam, cần phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan; tình huống 2: xuất hiện các ca bệnh; tình huống 3: dịch lây lan trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đang ở tình huống 1.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành chức năng và địa phương chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn dịch.
Tập trung giám sát tại sân bay
Sở Y tế của Hà Nội và TP HCM đều đã lên kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị y tế sẵn sàng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch giám sát, phát hiện ca bệnh và điều trị bệnh khi xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh.
Theo đó, TP HCM sẽ tập trung giám sát các ca bệnh đến từ quốc gia có bệnh ở cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất; tại các bệnh viện (BV) sẽ giám sát chặt về dịch tễ, ghi nhận những nghi ngờ, kịp thời có biện pháp cách ly theo dõi và điều trị. Tùy tình huống thực tế sẽ đưa ra những biện pháp phòng, chống. Giải pháp hiện tại là kiểm tra sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất để cách ly kịp thời nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ. Các trạm y tế phường, xã, trung tâm y tế quận, huyện giám sát chặt tại cộng đồng đối với các trường hợp nghi mắc và đi về từ vùng có dịch.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế hoạt động liên tục với 4 máy đo thân nhiệt hành khách từ xa, có nhân viên trực 24/24.
3 bệnh viện tiếp nhận người bệnh
Sở Y tế TP HCM cho biết 3 BV được chọn để chuyển người nhiễm bệnh tới điều trị là Bệnh nhiệt đới, Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2. Cả 3 BV sẵn sàng bố trí đầy đủ phòng cách ly, trang thiết bị, hóa chất dự phòng để điều trị những bệnh truyền nhiễm. Ba BV này cũng là đầu mối tổ chức tập huấn điều trị cho nhân viên y tế của các BV khác. Sở Y tế cũng triển khai phối hợp các ban, ngành, đoàn thể phát tờ rơi tới tận hộ dân hoặc tổ chức những buổi nói chuyện phòng, chống bệnh Ebola tại khu dân cư…
Bảo đảm an toàn cho khách du lịch
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã ký công văn khẩn gửi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các khách sạn 3-5 sao yêu cầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc, tạm dừng việc đưa khách đi du lịch đến các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola; tăng cường quan tâm sức khỏe du khách, thông tin hướng dẫn du khách các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Có thể truyền qua sữa mẹ
Ngày 9-8, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh do virus Ebola. Theo đó, người nhiễm virus này có thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt cấp tính, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc. Biểu hiện phát ban là các ban nhú đỏ sẫm màu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh.
Trong phác đồ điều trị cũng đặc biệt lưu ý trường hợp phụ nữ mang thai nếu nhiễm virus Ebola có nguy cơ sẩy thai/đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao. Ngoài ra virus Ebola có thể truyền qua sữa mẹ, do đó nếu nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh, đồng thời bà mẹ nên ngừng cho con bú.
Theo Nlđ, VOA