Bitcoin Việt Nam không muốn hoạt động ngoài vòng pháp luật
Theo đại diện của Bitcoin Việt Nam, do Bitcoin chưa được Nhà nước thừa nhận nên Bitcoin Việt Nam không thể đăng ký nghiệp vụ kinh doanh. Tuy nhiên công ty này khẳng định rằng họ không muốn hoạt động ngoài pháp luật và đang mong đợi nhà nước thay đổi cái nhìn đối với loại tiền tệ này.
Bitcoin Việt Nam không muốn hoạt động ngoài vòng pháp luật
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Trần Bảo Phương, Giám đốc điều hành Bitcoin Việt Nam, cho biết: do Bitcoin chưa được Nhà nước thừa nhận nên Bitcoin Việt Nam không thể đăng ký thẳng nghiệp vụ kinh doanh đối với Bitcoin.
Trong khi nhu cầu kết nối giao dịch lại rất lớn và vẫn diễn ra hàng ngày và vẫn kinh doanh có lời nên đơn vị này đành đăng ký với cơ quan quản lý ngành nghề hoạt động của mình là “kinh doanh máy vi tính, phần mềm” để đưa Bitcoin vào đó, bởi bản chất hoạt động của Bitcoin là thông qua phần mềm với nhiều phiên bản khác nhau.
Còn đối với sàn giao dịch thì cho Bitcoin ẩn vào hình thức “đại lý môi giới đấu giá”, do thực tế, Bitcoin Vietnam chỉ giữ vai trò kết nối giữa người mua và bán Bitcoin. Thế nên, nói là đại lý cũng đúng mà môi giới cũng đúng. Song song, đơn vị này tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để được thừa nhận là lĩnh vực kinh doanh hợp pháp.
“Chúng tôi chờ đợi Nhà nước thay đổi quan niệm và cho phép kinh doanh để được đăng ký thẳng nghiệp vụ kinh doanh Bitcoin thay vì phải ẩn giấu như thế này”, bà Phương nói.
Cũng theo bà Phương, Bitcoin Việt Nam không muốn hoạt động ngoài vòng pháp luật nên ngay từ đầu, đã công khai hoạt động để được cơ quan quản lý chấp nhận, dù trên thực tế, công ty có thể hành xử như nhiều đơn vị hoạt động chui, có doanh số gấp 10 lần so với lượng giao dịch của Bitcoin Vietnam hiện nay.
Người điều hành Bitcoin Việt Nam cho rằng, việc Nhà nước cấm tuyệt đối giao dịch Bitcoin là hoàn toàn không khả thi. Dù có cấm đến mức nào thì người dân vẫn có khả năng tự trao đổi Bitcoin với nhau mà không cần thông qua bất kỳ một trung gian nào khác. Ngoài ra, khi cấm Bitcoin thì đồng thời Nhà nước cũng phải cấm Paypal, Vcoin (VTC), thẻ điện thoại (số phút gọi cũng quy đổi được ra tiền mặt)…
Và theo bà Phương, thay vì thấy khó quản Bitcoin là cấm, thì Nhà nước nên tìm hiểu cách thức quản lý của những nước khác.
Bà dẫn chứng, bang California và New York (Mỹ) là những nơi đầu tiên có những bộ luật quản lý Bitcoin, Nhà nước có thể tìm hiểu cách thức quản lý. Hoặc như Singapore và Nhật Bản đều đã tuyên bố không quản Bitcoin vào thời điểm hiện tại. Nước có hệ thống chính phủ bảo thủ lớn là Trung Quốc cũng không cấm Bitcoin. Việc giao dịch, tích trữ, vận chuyển Bitcoin tại Trung Quốc không phạm pháp, chỉ không được bảo hộ.
Liên quan đến lo ngại “chảy máu ngoại tệ”, bà Phương giải thích, việc chuyển tiền với số lượng lớn qua Bitcoin Việt Nam ra nước ngoài cũng rất khó vì Bitcoin Việt Nam ghi lại tất cả các thông tin giao dịch và người chuyển tiền. Bất kỳ ai có ý định sử dụng Bitcoin Việt Nam cho mục đích phi pháp đều sẽ bị doanh nghiệp này phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra.
Ngược lại, theo bà Phương, nếu Nhà nước cho phép giao dịch Bitcoin, với 4 triệu kiều bào ở nước ngoài và gần 11 tỷ USD ngoại hối chảy về Việt Nam năm 2013, ước tính con số này sẽ tăng lên nhiều khi việc chuyển tiền về Việt Nam trở nên dễ dàng và rẻ hơn, và con số 11 tỷ USD này nhiều hơn số tiền bị chảy ra nước ngoài nhiều lần. Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu nhập từ việc thu thuế Bitcoin.
Nhìn từ giới chuyên môn
Phân tích tác động xấu của Bitcoin về mặt kinh tế, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nói: “Nếu Việt Nam có thêm một đồng tiền là Bitcoin với đầy đủ chức năng của một đồng tiền sau VND và các ngoại tệ mạnh được thừa nhận thì Ngân hàng Nhà nước sẽ rất khó điều hành chính sách tiền tệ, không khác gì tình trạng “đô la hóa” hiện nay”.
Theo ông, khi đó, Ngân hàng Nhà nước muốn sử dụng các công cụ điều hành thông qua VND như rút bớt tiền, tăng cung tiền để hướng tới các mục tiêu giảm lạm phát hay kích thích kinh tế, đều không còn tác dụng, dĩ nhiên là điều này còn phụ thuộc vào mức độ “Bitcoin hóa” đến đâu.
Nói cách khác, khi có thêm Bitcoin tức là VND bị chia sẻ bớt quyền lực và đó là điều mà không một nhà quản lý nào muốn, vì Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể tác động lên VND, còn với Bitcoin thì chịu thua.
Ngoài ra, còn một tác động nữa đến lợi nhuận phát hành VND, ở chỗ, khi ngân hàng Trung ương phát hành ra một tờ 500 nghìn, sẽ thu về một tỷ lệ lợi nhuận nào đó thì nay, lợi nhuận này bị giảm, bị chia sẻ vì Bitcoin.
Giống như ý kiến của ông Thành, một chuyên gia phân tích thêm, hiện nay, tổng lượng tiền Bitcoin được thống kê là 21 triệu Bitcoin, nếu chúng được thừa nhận lưu thông thì sẽ có đời sống như đồng tiền thật.
Đến một lúc, chúng sẽ được sử dụng trong quan hệ vay nợ như ngân hàng và cũng chịu tác động bởi cơ chế hoạt động của đồng tiền thật. Lúc đó, chúng sẽ tác động lên lạm phát và quy mô GDP danh nghĩa trong tương lai.
Và do Bitcoin không được phát hành bởi một quốc gia hay tổ chức tài chính nào nên năm nay, chúng ta chỉ có 21 triệu Bitcoin nhưng sang năm tăng lên 50 triệu Bitcoin là điều không ai có thể ngăn trở. Trong khi số hàng hóa, dịch vụ vẫn vậy và lạm phát có thể xảy ra bất cứ đâu nếu ở đó chúng được thừa nhận là đồng tiền.
Chuyên gia này lập luận, trong giao dịch Bitcoin, như bà Phương thừa nhận: “Chỉ cần một máy tính kết nối mạng là quan hệ giữa người và người trong giao dịch Bitcoin không còn biên giới”, thử hỏi, ai dám chắc đất nước không bị chảy máu ngoại tệ hoặc bọn tội phạm lợi dụng đó như là kênh để chuyển tiền?
Quả bóng đang lăn đi lăn lại?
Trao đổi vấn đề xử lý sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin Việt Nam với một lãnh đạo cấp phòng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), ông này cho biết, trước hết, cơ quan quản lý của Nhà nước cần làm hết trách nhiệm của mình, xác định xem việc đó đúng hay sai một cách cụ thể. Nếu họ (Bitcoin Việt Nam – PV) sai thì phải có văn bản pháp quy quy định rõ ràng, chế tài xử lý cụ thể như thế nào, từ đó, cơ quan bảo vệ pháp luật căn cứ vào đó để xử lý.
Giao diện bitcoin Việt Nam
“Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ mới thông báo Bitcoin không được chấp nhận giao dịch ở Việt Nam như một phương tiện thanh toán, không phải đồng tiền lưu hành chính thức, cùng đó là khuyến cáo về mặt rủi ro cho nhà đầu tư hoặc bất kỳ ai nắm giữ. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để cơ quan bảo vệ pháp luật nhập cuộc”, ông nói.
Theo ông, công an muốn xử lý thì phải xác định được hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định quản lý Nhà nước nhưng do chưa có văn bản xác định đó là hành vi vi phạm pháp luật hay các quy định quản lý Nhà nước một cách cụ thể nên chưa thể hành động vội vàng.
Trước đó, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước rà soát, nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý tiền ảo, trong đó có Bitcoin. Và do chưa có các bước đi rốt ráo và cụ thể nên các giao dịch Bitcoin vẫn diễn ra là điều dễ hiểu.
Trước đó, trả lời người viết, đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: Ngân hàng Nhà nước đã công bố Bitcoin không phải là đồng tiền, không được coi là phương tiện thanh toán, và đã thông tin đầy đủ đến C50 để phối hợp xử lý.
Có một điều đáng lưu ý là, hoạt động chuyển tiền các giao dịch Bitcoin giữa bên mua và bán của Bitcoin Việt Nam và nhiều sàn hoạt động kín đang ký sinh chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng. Ở một góc độ nhất định, ngân hàng đang trở thành kênh hỗ trợ cho các giao dịch của Bitcoin. Đây là điều mà trước khi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an cùng các ngành liên quan khi có hướng xử lý cụ thể thì cần phải cảnh báo cho các ngân hàng thương mại.
Theo cafebiz, VnEconomy