Phát hiện ngôi mộ Hoàng Gia 4000 năm tuổi ở Luxor, Ai Cập
Quần thể mộ Dra Abu el-Naga trên bờ Tây sông Nile, đối diện với thành phố hiện đại Luxor ở Thượng Ai Cập. (Deutsches Archäologisches Institut/DAI)
Các nhà khảo cổ Tây Ban Nha sau khi tiến hành khai quật tại thành phố Luxor Ai Cập đã phát hiện ra một ngôi mộ có kích thước lớn thuộc triều đại thứ 11.
Điều này cho thấy ngôi mộ thuộc về một thành viên của gia đình hoàng gia hay những người giữ chức vị cao trong triều đình. Người ta mong đợi một nghiên cứu toàn diện về ngôi mộ để có thể đưa ra cái nhìn sâu sắc về giai đoạn quan trọng trong lịch sử Ai Cập cổ đại khi Thượng và Hạ Ai Cập thống nhất dưới sự cai trị của Pharaon.
Ngôi mộ 4.000 năm tuổi được tìm thấy trong nghĩa trang Dra Abu el-Naga, nằm trên bờ Tây sông Nile trong thành phố cổ Thebes, ngày nay là Luxor. Hài cốt đã được tìm thấy rải rác xung quanh các hầm chôn cất, ở đoạn cuối lối đi vào có chiều dài 20 mét dưới mặt đất. Ngôi mộ cũng chứa đồ gốm có niên đại triều đại thứ 17 ước tính khoảng 400 năm sau đó, điều đó cho thấy ngôi mộ đã được tái sử dụng.
“Các kích thước đều lớn, không còn nghi ngờ rằng ngôi mộ thuộc về một thành viên của gia đình hoàng gia hay một cận thần quyền cao chức trọng”- theo một bài báo xuất bản thứ hai của Jose Galan, người đứng đầu khai quật dự án Djehuty.
Galan cho rằng ngôi mộ trong nghĩa trang Dra Abu el-Naga ghi niên đại triều đại thứ 11 (c 2125 đến 1991 BC), đó là thời kỳ Thượng và Hạ Ai Cập đã thống nhất, sau đó là thời đại thống trị và phân quyền của Pharaon sau sự sụp đổ của Cựu Vương quốc (Old Kingdom).
Nghĩa trang Dra Abu el-Naga là một trong những nghĩa trang lâu đời nhất của Ai Cập cổ đại; nó được sử dụng như một nơi chôn cất gần như liên tục giữa thời trung Vương quốc (Middle Kingdom) và đầu giai đoạn Thiên Chúa giáo (Coptic), kéo dài khoảng 2.500 năm. Cho đến nay, hơn 160 ngôi mộ hoàng gia, các vị chức sắc, quan chức và linh mục đã được phát hiện. Dra Abu el-Naga mang ý nghĩa của một khu chôn cất linh thiêng, sự linh thiêng tăng lên cùng với sự hiện diện của phức hệ ngôi mộ hoàng gia, chủ yếu do vị trí của nó trực tiếp đối diện với đền Karnak – ngôi đền được biết là trung tâm thờ cúng chính của Amun từ vương triều Trung Vương quốc và trở thành một trong những ngôi đền quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại trong thời Tân Vương quốc (New Kingdom).
Tái bản với sự cho phép từ Những nguồn gốc cổ đại (Ancient Origins).
Theo Vietdaikyngyen