8 địa danh kỳ bí “ẩn giấu” trên Trái đất
Đó là những vùng đất hoang vu với địa hình hiểm trở luôn kích thích trí tò mò của các nhà thám hiểm tới khám phá. Kể từ thập niên 1950, tiến sĩ Robin Hanbury – Tenison đã tiến hành hơn 30 cuộc thám hiểm trên mọi lục địa. Ông là người đầu tiên vượt qua điểm rộng nhất Nam Mỹ hay đi cùng thổ dân trên sa mạc Kalahari và du lịch Amazon trên một thủy phi cơ. Những chuyến đi đã giúp ông hiểu hơn về những vùng đất còn được ít người biết đến. Cùng ghé thăm 8 địa điểm “ẩn giấu” khó tìm mà ông đã đi đến trong những chuyến thám hiểm của mình. 1. Vùng Trung MỹLà một vùng đất nằm giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, những quốc gia ở Trung Mỹ có thể dễ dàng bị bỏ qua trên bản đồ. Tuy nhiên, nơi đây có một mạng lưới đa dạng các nền văn hóa, di tích cổ, rừng núi nhiệt đới – rất phù hợp với những ai muốn phiêu lưu, mạo hiểm. Để khởi động chuyến thám hiểm, bạn có thể trèo lên thăm thú núi lửa mà dung nham vẫn đang sôi ùng ục. Đi bộ băng qua rừng già sẽ dẫn bạn tới với các kim tự tháp của người Maya hay hiểu hơn cuộc sống của khỉ, chim đuôi seo, con lười sinh sống.
Cùng với đó, du khách sẽ có cơ hội thám hiểm tàn tích những khu rừng nhiệt đới và các loài động vật hoang dã xuất hiện từ nền văn minh cổ.
Không chỉ có những bãi biển cát vàng, vùng đất Trung Mỹ còn đưa bạn tới thăm thú các ngôi làng sâu khuất trong vùng của người Maya, Kuna và Miskito và tìm hiểu cuộc sống của cư dân, mua sản phẩm thủ công mang tính biểu tượng của người xưa. 2. Vườn Quốc gia Gunung Mulu, BroneoVườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak, Borneo giáp giới với Brunei là Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Vườn quốc gia này có rất nhiều hang động và kiến tạo karst (hiện tượng phong hóa).
Theo tiếng địa phương, Mulu đồng nghĩa với hang động. Hang động lâu đời nhất của Mulu bắt đầu hình thành khoảng 5 triệu năm trước, khi chuyển động nghiêng của Trái đất đã dẫn đến sự hình thành của cả hai dãy núi đá vôi và sa thạch nằm san sát nhau. Trải qua một khoảng thời gian rất dài với nhiều cơn mưa lớn trút xuống, những con sông dòng suối chảy xiết đã tạo thành hệ thống hang động ngầm như ngày nay.
Tại Vườn quốc gia Gunung Mulu có những hang cao tới 100m, rộng 90m, dài 2km. Các hang động lớn này là nhà của hàng triệu con dơi và chim yến bay vào trú ngụ khi trời chạng vạng tối. Vào thập niên 70, tiến sĩ Robin Hanbury- Tenison đã cùng đoàn thám hiểm lớn nhất của Hiệp Hội Địa lý Hoàng Gia đến rừng nhiệt đới Mulu trong 15 tháng. Họ đã khám phá ra 24.000 loài mới – về cả động, thực vật – một phát hiện có ý nghĩa lớn với các nhà khoa học tự nhiên. 3. Rừng tự nhiên AmazonRừng nhiệt đới Amazon, là một khu rừng lá rộng ở lưu vực Amazon của Nam Mỹ. Khu vực này nằm trong lãnh thổ của 9 quốc gia, chủ yếu là Brazil (với 60% rừng mưa), Peru (13%) và phần còn lại thuộc Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam cùng Guyana thuộc Pháp. Với tổng diện tích bề mặt bao phủ lên đến 7 triệu km2, Amazon được mệnh danh là “lá phổi” lớn nhất của hành tinh khi cung cấp cho Trái đất khoảng 20% lượng oxy. Không chỉ vậy, dòng sông Amazon dài cùng lưu lượng nước lớn nhất hành tinh là thiên đường của thảm thực vật và loài động vật vô cùng quý hiếm. Ước tính, Amazon sở hữu hơn 1/10 số loài động – thực vật trên Trái đất, bao gồm khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loại thực vật (40.000 loài) cùng gần 5.000 các loài chim, cá, bò sát và động vật có vú sinh sống.
Hẳn bạn phải dũng cảm lắm mới đủ can đảm ghé thăm nơi cư trú của trăn Anacona xanh khổng lồ vắt vẻo trên cây, bắt gặp chú cá chình điện có thể phóng ra điện gây choáng, chết người hoặc dính độc từ những chú ếch… 4. Rạn san hô Great Barrier, AustraliaRạn san hô Great Barrier tuyệt đẹp trải dài 2.600km ngoài khơi bờ biển của Australia được tạo thành từ khoảng 3.000 rạn san hô, hàng tỷ sinh vật sống nhỏ và 900 hòn đảo. Cấu trúc đá san hô ngầm đang sinh sống hiện nay đã bắt đầu phát triển trên một nền địa chất cũ khoảng 18.000 năm trước. Tuy nhiên, rạn san hô Great Barrier – Di sản Thiên nhiên thế giới này đang bị suy thoái nghiêm trọng bởi sự nóng lên của Trái đất.Với sự axit hóa đại dương ngày một tăng, cùng với sự ô nhiễm khiến cho hơn nửa san hô ở Great Barrier biến mất.
Theo tính toán của các nhà khoa học, Great Barrier sẽ biến mất trong 20 năm tới hoặc hơn nữa. Và đây có thể sẽ là hệ sinh thái thiên nhiên đầu tiên trên thế giới bị tuyệt chủng. 5. Bán đảo Kamchatka, RussiaNằm ở điểm cực Đông của nước Nga, Kamchatka giữ được vẻ hoang sơ hầu như nguyên vẹn như thuở ban đầu khi tạo thành. Kamchatka được mệnh danh là “vùng đất của núi lửa và vòi phun nước nóng” bởi phần thung lũng trung tâm và sông Kamchatka nằm giữa các dãy núi lửa lớn, trong số đó 29 núi vẫn còn hoạt động.
Nơi đây có những thung lũng với rừng hoa nở tươi đẹp, những con sông chảy xiết, nơi loài gấu nâu Kamchatka thường bắt cá hồi. Với sự đa dạng phong phú nhất thế giới về cá hồi nên hồ Kurilski được thừa nhận là nơi sinh đẻ lớn nhất của cá hồi tại đại lục Á-Âu.
Tiến sĩ Robin Hanbury-Tenison cho rằng, Kamchatka là vùng đất vô cùng thú vị. Không chỉ có cảnh vật hùng vĩ, mê hoặc lòng người mà nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều bộ lạc bản địa vô cùng độc đáo. 6. Rừng nhiệt đới CongoRừng nhiệt đới Congo là rừng nhiệt đới lớn thứ hai trên thế giới, trải dài qua 6 quốc gia với 600 loài thực vật và khoảng 10.000 loại động vật khác nhau. Đặc biệt hơn, 70% thảm thực vật của lục địa đen thuộc khu rừng lòng chảo này. Giống như tất cả rừng nhiệt đới, nhiều loài động vật thường tập trung sống ở lưu vực sông Congo. Có thể kể đến như tinh tinh lùn, hà mã, khỉ đột hay Okapi – một loài có hình dáng lai giữa hươu cao cổ và ngựa vằn… là những loài động vật sống sâu trong các khu rừng nhiệt đới Congo. Theo tiến sĩ Robin Hanbury- Tenison, chính bởi vùng đất này còn gặp nhiều vấn đề về phân tranh lãnh thổ nên có khá ít người đến đây thám hiểm. Nhưng nếu có dịp ghé thăm, thì khu rừng nhiệt đới này hẳn sẽ không làm bạn thất vọng. 7. Hồ Vostok, AntarcticaVới chiều dài 250km và nơi rộng nhất đạt 50km, hồ Vostok (có nghĩa là hồ phương Đông) đã trở thành hồ lớn nhất trong số gần 200 hồ ngầm nằm dưới lớp bằng dày đặc của Nam Cực. Hồ Vostok thực sự là nơi bí hiểm nhất hành tinh. Theo ước tính, hồ Vostok có thể bị cô lập với thế giới bên ngoài trong khoảng 15 – 25 triệu năm trước dưới lớp băng dày tới 4km.
Môi trường dưới lòng hồ Vostok được đánh giá là bí ẩn và chưa từng được ghi nhận trên toàn thế giới. Nghiên cứu được hồ Vostok sẽ mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu hơn về sự sống Trái đất suốt nhiều triệu năm qua. Robin Hanbury-Tenison có nhắn nhủ rằng, nếu bạn muốn tham gia thám hiểm hồ Vostok thì cần phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bởi hồ rất lạnh và tối. 8. Rãnh MarianaNằm trên phần đáy của khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, về phía Đông quần đảo Mariana, rãnh Mariana (hay vực Mariana, vũng Mariana) là rãnh đại dương sâu nhất từng được phát hiện. Điểm sâu nhất của rãnh Mariana là nơi sâu nhất trong lớp vỏ Trái đất. Rãnh là ranh giới nơi hai mảng kiến tạo của Thái Bình Dương và mảng Philippines gặp nhau. Độ sâu tối đa của rãnh này là 10.971m dưới mực nước biển. Làm việc ở độ sâu như tại rãnh Mariana, với áp suất hơn 1.000 atmosphere là một thách thức đối với giới khoa học lâu nay.
Robin Hanbury-Tenison cho biết Rãnh Mariana lạnh không tưởng tượng nổi, khắp nơi bao trùm một màu đen. Các nhà thám hiểm đã lặn xuống trong năm 1960 và tìm thấy 20 tấn thực phẩm, nghêu và các sinh vật bí ẩn chưa được khám phá sống trên một suối nước nóng bị cô lập. Với công nghệ mới, các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ có cơ hội hiểu hơn về rãnh đại dương sâu thăm thẳm bí ẩn này. |
Theo Trí Thức Trẻ |