Trực thăng Mỹ đã sập bẫy Taliban
“Giờ đây có thể xác nhận rằng chiếc trực thăng Chinook bị bắn hạ, sau khi lọt vào một cái bẫy được giăng ra bởi một chỉ huy Taliban”, AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Afghanistan.
Quan chức này cho biết thêm rằng Taliban dụ được biệt kích Mỹ và lính bản địa Afghanistan tới hiện trường vụ tấn công, bằng cách làm cho họ hiểu rằng có một cuộc họp của phong trào Hồi giáo cực đoan đang diễn ra.
Ảnh tư liệu cho thấy cảnh lính Mỹ và một chiếc trực thăng Chinook hoạt động tại vùng biên giới Afghanistan – Pakistan vào ngày 11/11/2009. Ảnh: AFP |
“Taliban biết rõ chiếc trực thăng sẽ chọn hướng nào để di chuyển. Chỉ có một hướng duy nhất, vì thế mà Taliban phục sẵn ở một vị trí trên những quả núi tại phía bên kia của thung lũng. Khi chiếc trực thăng tới, Taliban tấn công nó bằng tên lửa và các vũ khí hiện đại khác. Chiếc trực thăng vỡ tan thành nhiều mảnh”, vị quan chức giấu tên giải thích.
Ông này còn khẳng định chỉ huy Taliban đã vạch ra kế hoạch tinh vi này là Qari Tahir, và có ít nhất 4 người Pakistan tham gia hỗ trợ Tahir trong vụ tấn công chiếc trực thăng của Mỹ, vốn đang hoạt động trong biên chế lực lượng quốc tế của NATO tại Afghanistan. Thậm chí, quan chức này còn cho rằng chính quyền của Tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai coi đây là một vụ tấn công nhằm trả thù cho việc Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ tiêu diệt hồi đầu tháng 5.
Toàn bộ hiện trường vụ trực thăng Chinook bị bắn rơi hiện bị biệt kích Mỹ phong tỏa, nhằm phục vụ việc đưa các thi thể ra khỏi đây và thu thập các mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số. Taliban trước đây hiếm khi tấn công các máy bay của Mỹ và NATO, nhưng gần đây lực lượng này cho biết đã cải tiến các súng phóng lựu chống tăng (RPG) và nâng cao được độ chính xác của các vũ khí này. Chiếc Chinook được cho là bị rơi sau khi trúng đạn RPG.
Tổng cộng có 38 người thiệt mạng, trong đó có 30 lính Mỹ mà phần lớn thuộc đội biệt kích Navy SEAL, cùng 7 lính đặc nhiệm Afghanistan và một phiên dịch. Vụ việc xảy ra vào rạng sáng ngày 5/8 theo giờ địa phương này là tổn thất về người lớn nhất của Mỹ cũng như NATO, kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Taliban vào cuối năm 2001.
Hai phiến quân Taliban và một khẩu RPG, vốn là loại súng phóng lựu chống tăng, nhưng cũng thường được sử dụng cả trong những trường hợp mục tiêu là máy bay trực thăng đang di chuyển chậm, hoặc dừng trên không. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, các nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho hay không có biệt kích Navy SEAL nào thiệt mạng trong vụ tấn công diễn ra ở huyện Sayd Abad của tỉnh Wardak có tên trong danh sách những người tham gia cuộc đột kích và tiêu diệt Bin Laden tại thị trấn Abbottbad của Pakistan.
Trong một diễn biến mới nhất, một trực thăng khác của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do NATO lãnh đạo hôm nay phải hạ cánh khẩn cấp ở tỉnh Paktia, phía đông của Afghanistan. Tuy nhiên, không có ai bị thương trong vụ việc này.
Số binh sĩ quốc tế có mặt tại Afghanistan hiện nay vào khoảng 140.000 người, trong đó có 100.000 lính mang quốc tịch Mỹ. Lực lượng quốc tế sẽ rút dần khỏi quốc gia Trung Á này từ nay tới năm 2014, dấy lên lo ngại trước khả năng tự đảm bảo an ninh của chính quyền Afghanistan khi không còn sự che chở của binh sĩ ngoại quốc.
Phan Lê