Những điều cần biết về bệnh cúm H7N9 trên người
Thông tin về các trường hợp tử vong do cúm H7N9 ở Trung Quốc đủ khiến nhiều người Việt lo lắng. Vậy biểu hiện của cúm này ra sao? Điều trị thế nào? Phòng ngừa được không?
1. Cúm gia cầm H7N9 là gì?
Vi-rút cúm gia cầm là những vi-rút gây bệnh cúm ở các loại gia cầm. Bình thường chúng chỉ lây lan giữa các loại gia cầm (vịt, gà, ngan, ngỗng) và các loại chim chóc.
Mặc dù nột số thành viên trong gia đình vi-rút cúm gia cầm H7 này (H7N2, H7N3 và H7N7) đôi khi cũng lây nhiễm sang người, nhưng từ trước đến nay chưa có người bị mắc bệnh cúm H7N9 do lây nhiễm từ gia cầm cho đến tháng 3/2013 mới có những ca đầu tiên được ghi nhận từ Trung quốc..
2. Triệu chứng của bệnh
Bệnh nhân thường bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Chỉ có một số rất ít trường hợp biểu hiện nhẹ nhàng như cảm cúm thông thường và tự khỏi.
3. Tại sao vi-rút H7N9 này lại lây nhiễm cho con người?
Cho đến nay, tổ chức y tế thế giới vẫn chưa trả lời chính xác được. Vì bình thường sự khác biệt về giống loài là một hàng rào bảo vệ tự nhiên để ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang con người và ngược lại.
4. Từ trước đến nay, gia đình vi-rút cúm H7 này có gây bệnh gì cho người chưa?
Từ năm 1996 đến năm 2012, có một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm vi-rút cúm H7 (H7N2, H7N3, và H7N7) đã được báo cáo tại Hà Lan, Ý, Canada, Hoa Kỳ, Mexico và Anh. Đa số các trường hợp mắc bệnh xảy ra khi có dịch cúm gia cầm. Các trường hợp này thường nhẹ chủ yếu là đau họng, hắt hơi, chảy mũi, viêm kết mạc nhẹ, ngoại trừ một ca tử vong ở Hà Lan.
Cho đến trước tháng 3/2013, không có trường hợp nhiễm cúm H7N9 trên người được ghi nhận trên toàn thế giới.
5. Cúm H7N9 khác gì với cúm H1N1 và cúm H5N1?
Tất cả ba loại vi-rút này đều thuộc dòng họ cúm A nhưng: Cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1) là vi-rút cúm gây bệnh ở gia súc, gia cầm và rất hiếm khi lây sang người.
Cúm A (H1N1) là vi-rút cúm gây bệnh cho người và động vật (heo).
6. Vi-rút cúm H7N9 lây nhiễm cho người qua đường nào?
Nguồn nhiễm bệnh được ghi nhận là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thịt gia súc gia cầm bị bệnh hoặc từ môi trường nhiễm bệnh (lồng chim, chuồng trại nuôi nhốt chim, gia cầm). Các chuyên gia đã tìm thấy vi-rút này trên vịt, gà, chim bồ câu và trong môi trường xung quanh tại các chợ gia cầm ở gần nơi những ca bị bệnh được báo cáo.
Mặc dù có một số các trường hợp, những người sống gần gũi với người bị bệnh cũng có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên cho đến hiện tại, tổ chức y tế thế giới cho biết là vi-rút không lây trực tiếp từ người sang người.
7. Cách phòng ngừa nhiễm vi-rút cúm H7N9
Mặc dù cách lây lan của virus cúm H7N9 vẫn chưa được xác định rõ, nhưng chúng ta vẫn phải chú ý các biện pháp vệ sinh căn bản để phòng ngừa :
Rửa tay:
– Rửa tay trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn.
– Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
– Rửa ta sau khi tiếp xúc hay làm thịt gia súc, gia cầm.
– Rửa tay sau khi dọn dẹp chất thải gia súc, gia cầm
– Rửa tay khi bàn tay của bạn bị bẩn.
– Rửa tay khi chăm sóc người bị ốm hoăc khi có người trong nhà bị ốm.
=> Rửa tay bằng xà bông và rửa dưới vòi nước chảy khi thấy tay bị dính bẩn,
=> Nếu không thấy tay bị dính bẩn, rửa tay bằng xà phòng với nước/ hoặc sử dụng một loại nước rửa tay có pha cồn.
Vệ sinh hô hấp:
– Khi ho hoặc hắt hơi, che miệng và mũi của bạn bằng khẩu trang y tế, hoặc khăn giấy hoặc dùng tay che lại .
– Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín lập tức sau khi sử dụng,
– Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.
Sử dụng thực phẩm an toàn (xem câu 8 và 9)
8. Có nên ăn thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo không?
– Vi-rút cúm H7N9 không lây truyền qua thực phẩm được nấu chín vì vi-rút cúm sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70°C, do đó có thể ăn thịt và trứng đã được nấu chín toàn bộ từ trong ra ngoài (nấu chín chứ không phải “tái chính”)
– Không nên ăn thịt gia súc, gia cầm chết do bệnh hay chết không rõ nguyên nhân.
9. Chế biến thịt và trứng an toàn
Thịt và trứng chưa được nấu phải để nơi riêng và cách xa với thức ăn đã nấu chín rồi để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
– Tuyệt đối không nên ăn trứng chưa nấu chín (luộc chưa chín, hoặc trứng chiên ốp-la)
– Dao và thớt sau khi dùng để cắt thịt sống, phải rửa sạch bằng xà phòng rồi mới dùng để cắt các loại thức ăn khác (rau, củ, quả, thức ăn đã nấu chín…).
– Khi chúng ta làm bếp, cần chú ý sau mỗi lần chúng ta tiếp xúc với thịt sống chưa nấu chín, chúng ta phải rửa tay sạch với xà phòng rồi mới đụng chạm vào thức ăn đã được nấu chín trước đó để tránh lây nhiễm chéo.
– Sau khi thịt đã được nấu chín, phải đặt trong vật chứa (đĩa, tô, hộp, chén.) sạch hoàn toàn. Tuyệt đối không đặt trong vật chứa thịt trước đó (lúc thịt và trứng chưa được nấu chín).
– Tất cả vật chứa thịt lúc chưa nấu chín, thậm chí nền gạch hay nền bàn để thịt lúc chưa nấu chín cũng phải được rửa sạch lại bằng xà phòng.
– Sau khi chế biến thịt, trứng xong cần rửa tay lại bằng xà phòng.
10. Tiếp xúc với gia súc, gia cầm sống?
– Khi đi đến chợ gia súc gia cầm, tránh tiếp xúc trực tiếp với gia súc gia cầm, cũng như tránh tiếp xúc trực tiếp với vật dụng chứa gia súc gia cầm (nên mang găng tay) và rửa tay sau đó.
– Gia súc gia cầm bị bệnh hoặc chết phải được tiêu hủy và báo cáo với cơ quan thú y tại chỗ. Tuyệt đối không chế biến rồi ăn thịt gia súc gia cầm bệnh hay đã chết.
– Tuyệt đối không để trẻ em tiếp xúc với gia súc gia cầm bệnh hay gia súc gia cầm bị chết.
11. Có thuốc chủng ngừa cúm H7N9 không?
Hiện tại chưa có vắc-xin để phòng ngừa cúm H7N9 được sử dụng trên người. Tổ chức y tế thế giới đang cùng các đối tác nghiên cứu điều chế ra vắc-xin và đang thử nghiệm tính hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin.
12. Có cách điều trị cho cúm H7N9 không?
Qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, virus cúm H7N9 nhạy với các loại thuốc chống cúm đã từng được dùng trong điều trị cúm A (H1N1) và cúm gà (H5N1) trước đây. Kinh nghiệm sử dụng từ các trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc cho thấy việc điều trị sớm làm chọ bệnh diễn tiến nhẹ hơn.
13. Liệu vi-rút cúm này có gây ra đại dịch?
Về lý thuyết khi vi-rút cúm H7N9 đã lây từ gia cầm sang người là có thể gây ra đại dịch nếu nó phát triển được khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chỉ phát hiện bệnh lây cho những người tiếp xúc với thịt gia súc, gia cầm bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị nhiễm bệnh chứ chưa thấy lây trực tiếp từ người sang người. THỰC SỰ trong tương lai, vi-rút này có khả năng biến đổi về di truyền để lây trực tiếp từ người sang người để gây đại dịch hay không thì vẫn chưa thể kết luận được.
Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương (Dân Trí)